1. Không hiểu vì sao mà số người bị mắc các chứng bệnh nan y mà người ta quen gọi “ung thư” tại Việt Nam ngày càng nhiều. Thuật ngữ y học gọi ung thư là K. Một khi bị kết luận “K” như K gan, K phổi, K vú, K tử cung, K máu... thì 10 người bệnh có đến 9 người hoang mang. Trong cơn hoảng loạn và sợ hãi đến khủng khiếp, cùng với phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, nhiều người nuôi hy vọng vào các loại cỏ cây.
Trước thì có cây xáo tam phân, có xuyên tâm liên, có cây hoàn ngọc hay củ tam thất này nọ, nhưng bây giờ những cây đó đã tuyệt chủng cả rồi. Hàng được bán trôi nổi trên thị trường toàn có gốc gác từ Trung Quốc, suy cho cùng đó chỉ là dược liệu bẩn, dược liệu không đảm bảo hoặc đúng hơn là chẳng ai kiểm chứng được chất lượng.
Vì có vợ bị ung thư máu nên ông L.V. Tợn, 62 tuổi, kinh doanh phụ liệu ngành xây dựng trở thành “chuyên gia” về đông dược. Ông Tợn cho biết, tình trạng bệnh của vợ ông như nhiều người cùng cảnh phải dùng thuốc đặc hiệu, có người phải lọc máu thường xuyên mới duy trì được sự sống.
Ông Tợn nói rất dễ nhận biết những người bị K máu như vợ mình, dưới da xuất hiện những đốm đỏ nhỏ li ti, nổi toàn thân do bị xung huyết: “Ung thư máu còn được gọi là ung thư bạch cầu, đây là loại ung thư ác tính rất khó phát hiện do không hình thành khối u mà chỉ tăng số lượng bạch cầu đột biến. Bệnh này nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Bác sĩ nói bệnh nhân bị K máu thường gặp ở người sống ở những vùng bị nhiễm chất phóng xạ hoặc do môi trường quá ô nhiễm. Ngày trước gia đình tôi sống gần một nhà máy xi măng ở quận 9. Có thể vì vậy mà vợ tôi bị ung thư máu chăng?!” – ông Tợn giọng cay đắng.
Vợ ông Tợn là bà Mai, 56 tuổi, từng được điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học nằm trên đường Phạm Viết Chánh (quận 1, TP HCM). Sau gần 2 năm điều trị cho vợ tốn tiền tỉ, ông Tợn cho biết mới đây có người chỉ cho vợ chồng ông bài thuốc độc vị từ cây thuốc có tên gọi rất đỗi kỳ lạ là “cây máu người”.
Theo lời kể của ông Tợn, người nọ ở Bình Phước, tên Minh, ngoài 40 tuổi: “Khi đến thăm người quen bị K máu nằm cùng phòng với vợ tôi, anh Minh cho tôi biết bài thuốc từ dây máu người. Minh nói anh sống ở vùng đồng bào dân tộc S’tiêng nên biết được phụ nữ tộc người sau khi sanh đã có thể đi núi đi rừng băng băng, tất cả nhờ một loại cây thuốc dấu mà qua tìm hiểu Minh biết được đó là… dây máu, hay còn được gọi bằng cây huyết đằng, chủ trị các chứng bệnh về máu, kể cả K máu”.
Sau khi tiết lộ cho tôi bí mật đó, ông Tợn cho biết sắp tới đây ông sẽ dùng dây máu người mà ông mua của một người rao bán trên mạng với giá 1 triệu đồng/kg: “Họ bán cây này dữ lắm, nó quý quá mà. Bán đủ thứ giá, từ một vài trăm ngàn đến tiền triệu. Tiền nào thì của đó thôi” – ông Tợn, tặc lưỡi. Từ chia sẻ của ông này, tôi vào cuộc và ghi nhận nhiều chuyện ly kỳ đến loại dây máu kia. Ấn tượng ban đầu là cái sự “nổi” rất đình đám của nó. Gõ từ khóa “bán dây máu người” trong trang tìm kiếm Google thì có đến gần 1.300.000 kết quả có liên quan, trong khi từ khóa “bán cây xáo tam phân” chỉ có 371.000 kết quả. Điều đó cho thấy sức hút của dây máu người rất ư khủng khiếp!
2. Dây máu người mà nhiều người đang dòm ngó dưới góc nhìn của nhiều lương y có nhiều tên gọi khác nhau như đại hoàng đằng, hoạt huyết đằng, đại huyết đằng… “Từ điển cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (GS-TS Đỗ Tất Lợi) ghi dây máu thuộc họ huyết đằng, là loại dây leo thân dài đến 10m, có vỏ ngoài màu hơi nâu. Sở dĩ có tên gọi máu người vì khi cắt ra cây có chất nhựa màu đỏ như máu “huyết là máu, đằng là dây”.
Ngoài cây huyết đằng, còn có cây kê huyết đằng với thân và chất nhựa có màu đỏ như máu. Núi rừng Việt Nam còn có nhiều loại dây máu người thuộc họ huyết đằng, mỗi vùng miền có tên gọi khác nhau nhưng cả thảy đều có điểm chung là dây leo thân gỗ, khi phạt ngang thân sẽ chảy nhựa đỏ như máu. Dân gian căn cứ vào đó mà chặt về sử dụng.
Những ghi nhận trên cho thấy dây máu người (gọi chung về cây thuốc thuộc họ huyết đằng, PV) là vị thuốc bổ nhưng phạm vi sử dụng có giới hạn, không có cở gì để khẳng định dùng để chữa ung thư máu, chứng thần kinh tọa này nọ. Lương y Trần Minh (quận 5) lưu ý rằng không riêng gì dây máu người, nhiều người bị máu huyết xấu, bị các chứng suy nhược, gầy guộc hay chỉ đơn giản để thải độc cũng lăm lăm tìm mua các loại cây thuốc được y học cổ truyền ghi nhận trong nhóm thuốc bổ máu rồi sử dụng bừa bãi.
Ví như cây hà thủ ô. Hà thủ ô là vị thuốc bổ nhưng cũng đồng thời là vị thuốc độc. Cây tươi (củ) thu hoạch về muốn sử dụng phải tiến hành khử độc nhưng nhiều người không biết điều đó. Nghe nói hà thủ ô giúp đen tóc, làm sạch máu, giúp máu huyết lưu thông, vậy là họ tìm mua về sắc uống như trà, như thế vô cùng nguy hại!”
Theo lương y Trần Minh, thực tế cho thấy nhiều người bị ung thư vì bị “đầu độc”, vì quá u mê, lầm tưởng về tác dụng của nhiều loại dược liệu được đồn thổi quá mức như nấm lim xanh, cổ linh chi, xáo tam phân, bá bệnh, mật nhân, trinh nữ hoàng cung… mà dứt ngang phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Có người uống vào thấy khỏe nên ngưng việc hóa trị, xạ trị mà không biết rằng được như thế nhờ tác dụng của hóa chất, tia xạ: “Đông y hỗ trợ nâng cao thể trạng người bị ung thư nhưng không phải vì thế mà dùng kiểu gì cũng được, dùng càng nhiều càng tốt như nhiều người lầm nghĩ. Thường thì việc hỗ trợ như thế sau giai đoạn hóa trị, xạ trị, chứ xem đó là phương dược chữa trị thì không chắc” – lương y Nguyễn Trọng Bá (Đồng Nai), lưu ý.
Không riêng gì người S’tiêng mà nhiều tộc người khác như Chơro (Đồng Nai), Êđê (Đắk Lắk), Raglai (Ninh Thuận)... cũng có nhiều cây thuốc, vị thuốc bổ máu, hành huyết, hoạt huyết dùng cho sản phụ sau sinh, dây máu người cũng là một trong số đó. Cần lưu ý là mỗi tộc người có kinh nghiệm sử dụng riêng về liều lượng, phối với các vị thuốc khác căn cứ vào cơ địa, tình trạng sức khỏe của người dùng. Không có chuyện đã là cây thuốc bổ thì ai dùng cũng được, dùng bao nhiêu cũng được? Càng không có chuyện dùng để chữa ung thư này nọ.
3. Một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ từ những lời đồn đại thái quá mà “dây máu người” bị săn lùng quá mức, các toán sơn tràng sục sạo ngày đêm ở khắp núi rừng Bắc-Trung-Nam. Trò chuyện với phóng viên, các lương y vốn tâm huyết với việc sưu tầm, nhân giống, bảo tồn cây thuốc quý như Bùi Tô Phương Thảo (Giám đốc Công ty Hoa Thảo Dược-Bình Dương), lương y Nguyễn Văn Quốc Dinh (An Giang), lương y Nguyễn Trọng Bá (Đồng Nai) đã tiết lộ nhiều thông tin buồn lòng. Theo đó, các núi Thiên Cấm Sơn (An Giang), núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Châu Thới (Bình Dương) từng là thiên đường của dây máu nhưng nay các ngọn núi ấy chẳng còn một mẩu dây thuốc này. “Ngày trước có những dây máu người khổng lồ thân to bằng cùm tay cùm chân người lớn, tuổi hàng chục năm, dược chất rất nhiều. Còn bây giờ, cần dây máu để làm thuốc tìm kiếm khó như tìm vàng vì thảo dược quý này bị săn lùng đến tận gốc rễ” - lương y Bá sầu giọng.
Đi qua nhiều cánh rừng từng có rừng dây máu người ở khu vực các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, qua khảo sát mới thấy dây máu người đang bị tận diệt. Ông Vỹ, một dân buôn dược liệu ở quận 5 khẳng định dây máu người “chết thảm” trong cơn sốt “cây đổ máu” vào năm 2014 khi một số đầu nậu tung tin sẵn sàng trả đến 10 triệu đồng để săn một loại cây si cho nhựa đỏ như máu (Chuyên đề ANTG số ra ngày 6-10-2014 có bài: Sốt “cây đổ máu” - Màn kịch của các ông trùm). Trước lợi nhuận khủng khiếp đó, dân ăn rừng ồ ạt lùng sục tận rừng sâu, phát hiện loại cây nào có nhựa đỏ như máu cũng hạ gục, bới móc đến tận gốc rễ… Dây máu người “chết thảm” là vì thế!
“Nếu dây máu người hiếm như thế thì lấy ở đâu ra mà tại quận 5, người ta bán rất nhiều, mua bao nhiêu cũng có. Rồi dân buôn dược liệu online nữa, lấy ở đâu ra mà hàng ngàn người rao bán ầm ĩ như vậy?”. Thắc mắc này của tôi được ông Vỹ giải thích cặn kẽ. Ông bảo đâu riêng gì dây máu người, nhiều thảo dược được bày bán có nguồn gốc tại Trung Quốc trước khi được nhập qua Việt Nam mình, dây máu người bị rút chất, bị tẩm chất này chất kia rồi. Đặc biệt là các chất chống mốc chống ẩm rất nguy hại. Mặt khác trên rừng có nhiều loại cây thuốc dưới dạng dây leo khi được xắt lát phơi khô có cấu hình rất giống dây máu người, nên chưa chắc ai đó trả tiền mua dây máu là mua được hàng thật.
“Riêng chuyện dân buôn dược liệu online rao bán tràn lan cây này cũng dễ giải thích. Chục tay rao bán như thế thì có đến 9 tay chẳng có gì. Nếu tinh ý sẽ thấy những hình ảnh, thông tin nói về tác dụng của dây máu trên các shop online rao bán loại thảo dược này tương tự nhau, đó là hệ quả, là biểu hiện của thói làm ăn chụp giựt. Kẻ này lấy hình ảnh thông tin của kẻ khác dán lên trang của mình rồi thêm thắt để lừa người bệnh. Khi có người hỏi mua thì ra phố đông y ở quận 5 lấy thuốc trôi nổi về bán cho người có nhu cầu hưởng tiền chênh lệch. Mà các thuốc trôi nổi ấy như đã nói phần lớn bị rút tinh chất, bị nhiễm các chất bảo quản chống mốc chống ẩm…” – ông Vỹ, giải thích.
Các lương y mà người viết tiếp xúc kết thúc câu chuyện dây máu người bằng mối quan ngại rằng người bị ung thư, sức khỏe yếu, kháng thể suy giảm mà nạp thảo dược kiểu ấy thì có mà…