Ra tòa
Sau này, những cuộc điều tra của Mani Pulite trong những năm 1992 – 1996 đã khơi ra cả một hệ thống tham nhũng, những bê bối dẫn tới sự sụp đổ của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC).
Andreotti không hề bị đụng tới trong suốt Thời kỳ Tangentopoli, nhưng tháng 4/1993, sau khi bị nhiều pentiti (những người rời khỏi giới tội phạm hay các tổ chức khủng bố) nhắc đến trong các phiên tòa, Andreotti bị điều tra về mối quan hệ với mafia.
Năm 1994, DC tan rã. Andreotti gia nhập đảng Người Ý do Mino Martinazzoli sáng lập, rồi từ bỏ đảng này năm 2001, sau khi đảng ôn hòa Hoa Cúc (La Margherita - DL) được thành lập. Năm 2006, Andreotti ứng cử chân Chủ tịch Nghị viện Ý.
Ngày 21/1/2008, Andreotti bỏ phiếu trắng trong một phiên họp Nghị viện về báo cáo chính sách ngoại giao được đưa ra bởi Bộ trưởng Ngoại giao Massimo D’Alem.
Ba nghị sĩ khác cũng vắng mặt, khiến cho kết quả phiếu bầu không được công nhận. Hậu quả là Thủ tướng Romano Prodi đã phải từ chức. Trong các dịp trước đó, Andreotti luôn bỏ phiếu ủng hộ chính phủ Prodi.
Andreotti bị cơ quan điều tra đặt dấu hỏi về vai trò của ông ta trong vụ giết hại nhà báo Mino Pecorelli năm 1979. Mino Pecorelli chính là người đã lên tiếng cảnh báo công luận rằng Andreotti có liên quan tới mafia cũng như vụ bắt cóc Aldo Moro.
Năm 1999, ông ta đã phải ra trước tòa. Việc điều tra xét hỏi kéo dài suốt 3 năm. Năm 2002, Andreotti bị kết án 24 năm tù giam. Ngay lập tức, Andreotti, lúc này đã 83 tuổi, nộp đơn kháng cáo.
Ngày 30/10/2003, phiên tòa tái xét xử đã lật ngược kết quả nghị án, và Andreotti được tuyên bố trắng án. Cũng trong năm này, tòa án Palermo cũng xử Andreotti trắng án đối với tội danh liên kết với mafia, nhưng cũng chỉ với lý do đã quá thời hạn xét xử theo luật.
Tòa án tuyên xử: Trên thực tế Andreotti có mối liên kết chặt chẽ với mafia giai đoạn những năm 1980, và đã sử dụng những liên kết này để gây dựng sự nghiệp chính trị của mình – một sự nghiệp phát triển đến mức có thể coi như đó là một phần của mafia.
Phản ứng lại, Andreotti tuyên bố khi còn trong chính phủ, ông ta đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh đối với mafia. Quả thực, nhờ có sự hiện diện của thẩm phán “anti – mafia” Giovani Falcone trong vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chính phủ lần thứ 7 của Andreotti (1991 – 1992) cũng đã tiến hành một số bước đi chống mafia.
“Khi ông ta nói đã sử dụng những biện pháp mạnh chống mafia, ông ta đã không nói dối” - Biên tập viên Eugenio Scalfari của tờ La Republica viết.
“Tôi nghĩ rằng cuối những năm 80, ông ta đã nhận ra rằng không thể kiểm soát được mafia. Sau bao năm u mê, cuối cùng ông ta đã bừng tỉnh… và mafia, khi đã nhận ra rằng không còn hy vọng gì vào sự bảo vệ hay lượng thứ của ông ta nữa, đã hạ sát người của Andreotti ở Sicily”.
(Còn tiếp)