Kỳ 1. Những bước chân đầu tiên vào chính trường
Giulio Andreotti trở thành nhà chính khách nổi danh có tuổi thọ chính trị dài nhất của nước Ý và trên cả chính trường thế giới. Bạn bè ông có nhiều chính trị gia danh tiếng, trong đó có tên nhiều tổng thống Mỹ và thủ tướng Anh.
Trải qua nhiều thăng trầm với những biến cố chính trị, thậm chí phải ra tòa, nhưng Giulio Andreotti đã trụ vững và thống trị chính trường nước Ý kể từ cuối Đại chiến Thế giới II. Giulio Andreotti được mệnh danh là “Giulio bất diệt” hay “Quý ngài nước Ý”.
Giulio Andreotti sinh tại Rome ngày 14/1/1919. Người cha mất sớm, mẹ Giulio chật vật nuôi ba con khôn lớn. Sinh ra trong gia đình Thiên Chúa giáo mộ đạo, hằng ngày cậu bé Giulio đến giúp lễ ở nhà thờ, và sớm thể hiện tư chất lãnh đạo trong đám bạn bè.
Sau này, Giulio theo học Luật ở Trường ĐH Thiên chúa giáo Ý (FUCI) – trường đại học Thiên Chúa giáo duy nhất mà chính phủ phát xít Ý cho phép hoạt động.
Nhiều sinh viên của Trường FUCI sau này trở thành các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC) của Ý. Bản thân Giulio trở thành Chủ tịch Phong trào sinh viên hoạt động Thiên Chúa giáo, đồng thời còn viết bài cho tờ Dân chủ Thiên Chúa giáo – một tờ báo bí mật thời đó. Đây cũng là cơ hội để Giulio tiếp cận với kho tàng văn bản của Vaticant, một bậc thang dẫn anh đến với con đường chính trị.
Tại đây, Giulio đã gặp gỡ Alcide de Gasperi, khi đó đang làm việc tại thư viện Vaticant. Ông là một nhà chính trị Thiên Chúa giáo đang nóng lòng chờ kết thúc của chế độ phát xít.
De Gasperi đã đón nhận chàng thanh niên trẻ Giulio vào vòng tay của mình, trở thành thầy, người bảo trợ, người bạn lớn của chàng thanh niên Giulio. Dần dần, Andreotti trở thành cánh tay phải của de Gasperi
Với sự ưu ái và dẫn dắt của de Gasperi, Giulio Andreotti có những bước tiến vượt bậc trong chính giới. Tháng 7/1939, khi Aldo Moro trở thành Chủ tịch FUCI, thì Andreotti cũng chịu trách nhiệm là chủ biên tạp chí Azione Fucina.
Năm 1942, khi Moro gia nhập quân đội Ý, Andreotti kế nhiệm là Chủ tịch FUCI, và tiếp tục giữ chức vụ này cho tới năm 1944. Trong năm này, Andreotti trở thành thành viên Hội đồng quốc gia của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, chịu trách nhiệm cho các tổ chức trẻ của đảng này.
Năm 1946, với ảnh hưởng của de Gasperi, người sáng lập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, Andreotti được bầu vào hội đồng soạn thảo Hiến pháp Ý mới, và nhanh chóng trở thành nhân vật hàng đầu trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo.
Khi de Gasperi trở thành Thủ tướng Ý, năm 1947, Andreotti được chỉ định vào một vị trí đầy quyền lực trong Ban Thư ký nội bộ của Hội đồng Bộ trưởng.
Kỹ năng thương lượng và giải quyết vấn đề cùng sự mềm dẻo, cũng như kiến thức sâu rộng về các thủ tục nghị trường chính là những tài sản quý giá mà Andreotti thu thập được trong thời gian này.
Năm 1948, Andreotti được bầu vào Văn phòng đại diện của cử tri Rome - Latina - Viterbo - Frosinone – khu vực sau này trở thành “pháo đài” riêng của Andreotti cho đến tận những năm 1990.
(Còn tiếp)