Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào?

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào?

(GD&TĐ) - Đó là một bài toán không dễ khi nguyên nhân của khủng hoảng, không chỉ có yếu tố chính sách của ngành Giáo dục, mà còn liên quan đến chính sách của địa phương, các ngành, cách thức tuyển dụng lao động và… chính bản thân các trường. Có nên “cứu”? Cứu trường không đảm bảo chất lượng hay để tự đào thải theo quy luật thị trường? Có nên dồn sức cho những trường đang phát triển tốt? Cần hay không cần sáp nhập các trường? Xung quanh vấn đề này, Giáo dục & Thời đại đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Để giải quyết khủng hoảng cho hệ thống ĐH - CĐ ngoài công lập hiện nay, TS Lê Trường Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ ngoài công lập, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT - cho rằng đã đến lúc tính đến giải pháp xiết chặt hoạt động và sáp nhập các trường ĐH - CĐ yếu, không đủ tiềm lực.

Sáp nhập cả công và tư

Chúng ta cần tính đến giải pháp sáp nhập vì thời gian qua, hệ thống các trường ĐH-CĐ trong và ngoài công lập phình ra tương đối nhiều. Thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 10 năm qua số trường ĐH-CĐ Việt Nam tăng gấp đôi; từ hơn 202 trường năm 2002 lên tới hơn 400 trường năm 2012. Trong số này, các trường công lập tăng thêm 158 trường, ngoài công lập tăng 59 trường.

Trong khi ngân sách của Nhà nước hạn chế, ngân sách của địa phương cũng không dồi dào nên khi tách ra, nhiều trường không đủ tiềm lực cần thiết. Đó là chưa nói đến trình độ đội ngũ GV, trình độ quản lý mà chỉ mới nói đến mức đầu tư cần thiết, các trường cũng đã khó đảm bảo.

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 1
Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM- HUTECH - là trường ĐH ngoài công lập có tiềm lực tài chính mạnh. Trong ảnh: Sinh viên HUTECH trong giờ học tại thư viện. (Nguồn ảnh: HUTECH)

Sử dụng tiêu chí tài chính

Sáp nhập trường này với trường kia bao giờ cũng là việc khó. Chúng ta có thể dùng tài chính như là một tiêu chí bắt buộc. Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, bản thân các trường cần phải có phương án riêng, việc sáp nhập này diễn ra (có lộ trình và thời gian) cũng không quá phức tạp.

Bởi khi chúng ta căn cứ vào tiêu chí tài chính, xem nó như một chủ trương chung thì nếu các trường không muốn sáp nhập bắt buộc họ phải tăng vốn điều lệ lên. Còn khi họ không thể tăng vốn điều lệ thì buộc phải sáp nhập hoặc giải thể, khi đến một điểm quy định chung nào đó. 

Hiện tại hành lang pháp lý  có đã. Có hẳn những quy định về sáp nhập, giải thể trường ĐH. Vấn đề là chúng ta cần một chủ trương, lộ trình để các trường theo đó mà thực hiện cho nghiêm túc. Chỉ cần chúng ta xây dựng được chủ trương trên, Nhà nước ký văn bản ban hành đưa vào thực tiễn thì các trường bắt buộc phải có lộ trình xây dựng và phát triển trong 3 hoặc 5 năm tới nếu không muốn sáp nhập hoặc giải thể. Áp lực trên buộc họ phải ngồi lại với nhau, tư duy của HĐQT các trường trước sự “tồn vong” của chính mình chắc chắn sẽ khác.

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 2
Sinh viên Đại học FPT trong ngày hội hướng nghiệp thời đại số năm

Trường yếu nên sáp nhập với trường mạnh

Bộ GD&ĐT nên xem xét để có quy định về vốn đầu tư tối thiểu (với trường ĐH tư) hoặc giá trị tài sản tối thiểu (với trường ĐH công) là 500 tỉ đồng, với trường CĐ là 300 tỉ đồng và với trường TC là 100 tỉ đồng. Các trường ĐH sẽ có lộ trình để tăng vốn tối thiểu lên 200 tỉ đồng vào cuối năm 2013, 300 tỉ đồng vào cuối năm 2014 và 500 tỉ đồng vào cuối năm 2015. Có nhiều giải pháp để thực hiện điều này, như tăng cường tìm nguồn đầu tư bổ sung, sáp nhập, hạ cấp từ ĐH xuống CĐ, từ CĐ xuống TC hoặc giải thể khi không đảm bảo. 

Tất nhiên, việc giải thể phải được tiến hành một cách bền vững, tránh sự đổ vỡ cho hệ thống và thiệt thòi cho sinh viên thông qua hình thức dừng tuyển sinh, cho phép trường đào tạo hết số sinh viên đang có hoặc chuyển sinh viên sang trường khác rồi mới buộc giải thể. Trong đó, phương án sáp nhập trường mạnh với trường yếu là tốt nhất (so với sáp nhập trường yếu với trường yếu). Điều đó sẽ giúp hệ thống vượt qua khủng hoảng, khi nó có thể giúp các trường cân bằng nguồn lực, phạm vi hoạt động và cả ổn định chất lượng đào tạo. 

Việc sáp nhập không chỉ giúp hệ thống giáo dục đại học cân bằng lại quy mô, tiềm lực cho các trường, mà còn đảm bảo được đầu ra, chất lượng nguồn nhân lực khi số lượng trường èo uột, tồn tại kiểu lơ lơ lửng lửng buộc phải tự đào thải. Việc các trường thành lập ra rồi kêu họ sáp nhập lại, kỳ thật không ai muốn. Nhưng đó là một lộ trình tái cơ cấu, tái tổ chức cần phải làm để có những thay đổi nhất định trước cuộc khủng hoảng hiện nay của các trường ĐH ngoài công lập. 

Đừng lo khi giảm số lượng trường

Chúng ta không nên quan ngại khi hệ thống các trường ĐH - CĐ bị thu hẹp lại (có thể giảm một nửa). Tuy số lượng trường có thể sẽ giảm, nhưng lúc đó chúng ta không phải băn khoăn về chất lượng đào tạo của các trường, băn khoăn khi trường này không có đất, trường kia thiếu hụt đội ngũ giảng viên. 

Mặt khác, nếu chúng ta làm tốt vấn đề này, nó cũng sẽ mang lại tác dụng ngược rất lớn khi một số trường công không muốn sáp nhập buộc phải hạ cấp xuống (ĐH xuống CĐ chẳng hạn) khi tuyển sinh không được, tiềm lực không mạnh. Thực tế mấy năm qua cũng cho thấy rất rõ khó khăn trong tuyển sinh, khi số lượng trường tăng vọt, chỉ tiêu tuyển sinh cũng không ngừng tăng theo. Trong khi số lượng học sinh THPT trong 10 năm chỉ tăng 12%. Tình hình này dẫn đến thay đổi lớn trong bức tranh cung cầu giữa khả năng đáp ứng chỗ học của các trường ĐH - CĐ và nhu cầu của người học. 

TS Nguyễn Toàn (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TPHCM): Phải tự cứu mình trước 

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 3
TS Nguyễn Toàn

Việc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập “kêu cứu với Thủ tướng”, tôi cho là “chưa sòng phẳng với thị trường” trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo tôi, các cơ sở đào tạo, kể cả công lập cũng như ngoài công lập, đều phải tự cứu mình. Tại sao chúng ta không có trách nhiệm thực hiện những điều cam kết, theo những tiêu chí cơ bản của một cơ sở đào tạo theo luật định, để rồi phải đi kêu cứu? Nếu Thủ tướng “cứu” được, thì ai sẽ cứu hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm! 

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với 3 đại học hàng đầu Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế) từ năm 2006 đến 2010 cho thấy: 26,2% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, dù là việc làm không liên quan đến trình độ và chuyên môn đào tạo! Vậy thì với những cơ sở đào tạo vay mượn từ đội ngũ giảng viên (hoặc giảng viên không đủ chuẩn), đến cơ sở vật chất yếu kém, thì làm sao người học yên tâm? Nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập nỗ lực đầu tư theo yêu cầu của người học và đã tuyển đủ chỉ tiêu, phù hợp với năng lực thực tế của họ.

Việc kêu gọi Nhà nước quan tâm đến việc thuế, đất, vốn… cho các trường ngoài công lập, theo tôi là cần nhưng chưa đủ. Nhà nước cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo (cả công lập lẫn ngoài công lập). Nếu cơ sở nào thể hiện được các yêu cầu của Nhà nước, có thể bằng hình thức đấu thầu chương trình, dự án... Làm được như vậy sẽ xóa đi ranh giới giữa các trường công lập và ngoài công lập. Các trường  phải đặt mục tiêu đào tạo “đáp ứng nhu cầu xã hội” là mục tiêu cao nhất. Đây là cách làm hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và kết quả các trường mang lại cho Nhà nước, cho xã hội là hết sức to lớn.

TS Phan Văn Thơm (Quyền Hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô): Nên dành cho NCL một phần chỉ tiêu đi đào tạo nước ngoài 

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 4
TS Phan Văn Thơm 

Để có được một sinh viên có chất lượng, chúng ta phải quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất để phát triển ổn định. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên phải phát triển mạnh, đáp ứng quy mô, chất lượng. Kế tiếp là đã đến lúc phải xây dựng chuẩn đầu ra và từ chuẩn đầu ra sẽ thiết kế chương trình phù hợp để được xã hội chấp nhận, đây mới là điều quan trọng. 

Chúng ta có chuẩn đào tạo, trường NCL chấp nhận đầu vào sinh viên có yếu hơn trường ĐH công lập nhưng có chuẩn đầu ra thì sinh viên đạt chuẩn mới được ra trường, trong quá trình đào tạo phải sàng lọc mạnh và cuối cùng phải đạt chuẩn đầu ra. 

Nhà nước cần quan tâm đến trường NCL về vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ. Ví dụ nếu có chỉ tiêu cho đi đào tạo nước ngoài thì dành một số chỉ tiêu cho trường NCL. Cái cốt yếu ở đây là chúng tôi có thể tham gia quá trình bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ ở nước ngoài và cần có sự quan tâm của ngành Giáo dục để có cơ hội phát triển đội ngũ. 

TS Lê Đình Viên  (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An): Phải xác định làm giáo dục không phải để kinh doanh!

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 5
TS Lê Đình Viên

Đầu tư cho một trường ĐH NCL thấp nhất là 100 tỉ đồng, chừng ấy vốn sẽ xây được trường diện tích 10.000m2 để tuyển được số lượng 5000 sinh viên. Nếu đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, tính ra tốn khoảng 100 tỉ đồng nữa… Chi phí cho giảng dạy, tính ra một giảng viên trình độ Thạc sĩ/25 sinh viên, (trường có 5.000 sinh viên cần có 200 giảng viên), mỗi giảng viên trường phải trả 150 triệu đồng/năm, tổng hợp chi cho giảng viên mỗi năm là 30 tỉ đồng. Trong khi đó học phí một sinh viên ngoài công lập ở vùng này các em đóng khoảng 7,5 triệu đồng/năm. Đây không phải tính toán hay so sánh gì, nhưng cần có góc nhìn và phân tích để thấy được quá trình đầu tư cũng như chuyện làm giáo dục ở một trường ĐH NCL, từ đó thấy được ngọn ngành của vấn đề. 

Cần sớm phân tầng các trường: Ông Nguyễn Cao Đạt (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long) 

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 6
Ông Nguyễn Cao Đạt

Cần sớm phân tầng các trường ĐH, CĐ: trường nào đào tạo kỹ sư “tài năng”, trường nào đào tạo “tinh hoa, trường nào là kỹ sư thực hành. Các trường “tinh hoa” Nhà nước nên đầu tư kinh phí để thu hút sinh viên giỏi, đương nhiên điểm chuẩn phải cao hơn điểm sàn. Những trường khác, kể cả trường NCL là những trường đào tạo nguồn nhân lực, tức đào tạo kỹ sư thực hành, thì có quyền lấy các thí sinh có điểm chuẩn bằng với điểm sàn.

Về tuyển dụng, Nhà nước nên có những giải pháp để các cấp chính quyền nhìn nhận đúng về các trường NCL, về chất lượng đào tạo của họ. Đồng thời các trường NCL cũng cần có các giải pháp tốt để đảm bảo chất lượng đào tạo. Sau 4 năm học tập, sinh viên phải được trang bị kiến thức cơ bản hiện đại, có kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm khác để các doanh nghiệp chấp nhận sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng nên cho các ứng viên thi tuyển, đảm bảo sự công bằng cho sinh viên được đào tạo của các loại hình đào tạo khác nhau. 

NGƯT Lê Công Cơ  (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Q. Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân): Đừng đòi hỏi sự dễ dãi mà ảnh hưởng đến chất lượng  

Kỳ 4: "Cứu" các trường ngoài công lập như thế nào? ảnh 7
NGƯT Lê Công Cơ

Trước hết, bản thân các trường NCL phải nghiêm túc nhìn nhận lại mình, tự đánh giá lại xem mình ở mức nào chứ đừng đòi hỏi sự dễ dãi mà ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Cái gì cũng có mặt bằng của nó. Khi Nhà nước cấp quyết định thành lập trường đã ghi rõ “nằm trong hệ thống văn bằng cấp quốc gia” thì trường phải đạt chất lượng quốc gia mới được nhận văn bằng đó chứ muốn được hạ điểm sàn để có người học rồi cho ra lò một lớp sinh viên yếu, kém thì xã hội làm sao mà chấp nhận được! 

Tôi đồng ý với ý kiến đề nghị Bộ nên lấy điểm chuẩn tuyển sinh như một tiêu chí quan trọng để phân tầng các trường. Đã tới lúc Bộ phải làm thật nghiêm túc, sao cho ĐH phải ra ĐH chứ đừng theo kiểu “con hư cũng phải nuôi” mà phải tính đến việc nuôi như thế nào cho khỏi hư. Khi xây dựng trường đại học thì phải kèm theo với xây dựng uy tín và phân tầng cũng phải thật chuẩn… Như thế mới hi vọng có được những trường đại học ngang tầm trong khu vực. 

Nhóm PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ