Kỳ 2: Phận buồn kỹ nữ tuổi 62

Kỳ 2: Phận buồn kỹ nữ tuổi 62

(GD&TĐ) - Bác sĩ Phạm Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Giáo dục - Lao động Thanh Xuân cho biết, ngôi trường mà chị đã nhiều năm công tác đã xác nhận nhiều kỷ lục của các học viên. Tuy nhiên, đó lại là những kỷ lục đau đớn, đáng buồn…

->> Bài 1: Làm gái đổi chữ cho con

Một số phận...   “lưu ban”

Theo các thầy cô giáo đang công tác tại ngôi trường này thì người đang nắm kỷ lục về số lần “nhập trường” là Vũ Hồng Quỳnh, cô gái đến từ huyện đảo Cát Bà. Đây là lần thứ 3, Quỳnh phải khăn gói trở lại ngôi trường này. Buồn hơn, Quỳnh bảo, cô chưa dám chắc đây sẽ là lần cuối cùng. Có lẽ bởi “đi trường” quá nhiều, như chẳng còn gì phải xấu hổ, Quỳnh kể rành rọt về sự vấp ngã của mình. 

Sinh năm 1984, khi 18 tuổi, như bao thôn nữ ở huyện đảo này, Quỳnh vượt biển theo chồng. Đó là cuộc hôn nhân định mệnh. Cuộc hôn nhân ấy, chẳng hiểu do linh cảm hay bởi một lý do gì khác mà gia đình Quỳnh đã liên hồi phản đối. Họ bảo, con gái ở đảo không nên lấy chồng trong đất liền. Thế nhưng, điên cuồng vì yêu, cô bỏ nhà chạy theo tiếng sét ái tình. 

Chồng Quỳnh vắng nhà luôn. Khi về lại có biểu hiện khác thường. Và rồi, một ngày, khi đi sang hàng xóm chơi về, vào buồng, cô thấy chồng mình loay hoay dùng ma túy. Như con thuyền chao đảo trước bốn bề bão giông, Quỳnh chẳng biết tính thế nào. Khuyên can chẳng được, hết cách cứu vãn, Quỳnh ôm hai đứa con vào thành phố. 

Nơi đất khách quê người, Quỳnh tìm người bạn cũ của mình để nhờ giúp đỡ. Gọi là bạn nhưng chị này hơn Quỳnh mấy tuổi. Gặp nhau, nghe chuyện buồn của Quỳnh, người bạn này bảo: “Chồng mày chưa nghiện được đâu! Chị cũng dùng ma túy lâu rồi, nhưng nghiện đâu phải dễ. Mà này, dùng thứ đó… đẹp da lắm đấy nhé!”. Quỳnh há hốc mồm kinh ngạc. Nhưng quả thật, chị bạn này bây giờ da dẻ mượt mà chứ không xù xì như mấy năm trước nữa. 

Một lần, về thăm chồng, sực nhớ lời chị bạn, Quỳnh chôm luôn đám ma túy của chồng mang đi. Ra đến thành phố, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Quỳnh mang luôn số ma túy đó đến nhà chị bạn của mình và nhờ chị ta hướng dẫn cách thức… dưỡng da. Sau chục ngày dùng thuốc liên miên, Quỳnh thành con nghiện. Giật mình choàng tỉnh thì đã quá muộn màng. Lúc này, Quỳnh mới vỡ nhẽ, thì ra người bạn ấy biết Quỳnh có nguồn ma túy từ chồng nên lợi dụng, dụ dỗ để Quỳnh cung cấp “hàng” cho ả xài cho bõ cơn nghiền. 

Một thân một mình nơi phồn hoa, Quỳnh chẳng biết xoay xở thế nào để vừa có cơm trắng nuôi hai đứa con và “cơm đen” nuôi cơn nghiện của mình. Hết cách, Quỳnh đành quay sang… làm gái. 

Năm 2005, lần đầu tiên Quỳnh bị công an bắt khi đang hành nghề tại một khu nhà trọ rẻ tiền. Hai năm sau, “tốt nghiệp”, phải nuôi con nên chẳng thể trốn đời, Quỳnh lại bôn ba ra ngoài kiếm sống. Khi có tiền, khi tự do thì suy nghĩ của người ta cũng khác. Bởi thế, những lời hứa sẽ vĩnh biệt ma túy khi còn ở trong trường đã dần phai nhạt. Chỉ mấy tháng sau, Quỳnh lại tìm đến với thứ “đồ chơi” chết người này. Lại nghiện, lại bỏ nhà, bỏ con phiêu bạt giang hồ.

Như một lộ trình có sẵn, Quỳnh lại đi theo vết xe đổ trước đây và rồi lại bị bắt đưa về trường giáo dục. Ngày hết hạn “tu nghiệp” mong chờ mãi rồi cũng tới. Về nhà, lần này, để thể hiện quyết tâm, Quỳnh đã khóc lóc, thề thốt với bố mẹ, người thân đủ điều. Thế nhưng, ma túy như thuốc lú bùa mê khiến cô điên loạn. Chỉ một thời gian ngắn được tự do, sự cứng rắn, quyết tâm của Quỳnh biến đâu mất, cô lại hiện nguyên hình là một nô lệ của loại độc dược này. Vậy là, lại thêm một lần nữa, Quỳnh lại theo lối cũ đường xưa và lại bị đưa đi trường phục hồi nhân phẩm.

Đã ba lần trở lại chốn này, Quỳnh chẳng dám hứa điều gì khi nói đến tương lai. Quỳnh bảo, đời cô thế này rồi thì cứ mặc bèo trôi nước chảy. Đục trong thế nào cứ mặc số phận đẩy đưa, với tất cả những gì đã xảy ra, cô tự thấy mình không đủ tự tin để lựa chọn.

v
Chỉ có làm việc mới giúp Quỳnh quên nỗi buồn số phận

Đầu hai thứ tóc vẫn… đứng đường

Theo các bác sĩ đang làm việc tại Trường Giáo dục - Lao động Thanh Xuân thì trường từng có học viên 62 tuổi. Học viên này bị bắt vì hành nghề mại dâm và mới được ra trường cách đây vài năm. Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm lại nhân vật như không có thật trên đời ấy. Bà là Khuất Thị H, hiện đang sống ở một quận ngoại ô của thành phố Cảng. 

Chồng mất sớm, một nách hai con, ở xóm bụi này, bà đã tần tảo đủ nghề để tồn tại. Các con bà có lớn nhưng chẳng có khôn, chẳng biết thương mẹ vất vả mà lần lượt bập vào ma tuý. Chúng nghiện đến độ khi không thiết kế được tiền, chúng sẵn sàng cầm dao kè vào cổ mẹ để lột những đồng bạc lẻ cuối cùng.

Khi không thể đục đẽo được gì ở cái xác khô là bà nữa, chúng bỏ nhà biệt xứ. Mình bà ở lại trong ngôi nhà gió lùa thông thốc. Cả đời vất vả giờ lại sống cảnh côi cút cô đơn, bà bập vào rượu. Bà bảo, cái chất tê tê say say này hay lắm, nó khiến bà quên đi tất cả sầu não của đời. Bây giờ, mỗi ngày không có mấy nghìn rượu đổ vào mồm, bà như phát điên phát dại. 

Trong một lần khát rượu, chẳng biết xoay tiền ở đâu, bà mò sang nhà mấy ả làm gái ở gần đó… xin. Thế nhưng, không những chẳng cho mà mấy ả ấy còn mắng xơi xơi: “Tôi bán… nuôi miệng đây, tiền đâu mà cho bà. Muốn có tiền thì ra đường mà đứng!”. “Các cô cứ đùa, trẻ đẹp như các cô còn có khách chứ tôi thì thế này ai mà thèm!”. “Già thì có khách già nhé! Làm đi mà lấy tiền uống rượu!”. Lủi thủi về, nhưng những “lời vàng ý ngọc” đó bà thấy cũng có lý. Vậy là chải chuốt, vậy là son phấn vậy là nhập vào đội quân gái vẫy ở những con đường không ánh điện. Bởi có tuổi nên cái giá của bà cũng… mềm lắm. Có khi bí tiền chỉ cần kiếm được lít rượu là bà cũng gật đầu.

“Bà không nhiễm bệnh à?”. Một đồng nghiệp của tôi hỏi. “Si đa à? Si đa thì mấy năm mới chết cơ. Không có rượu, không có cơm thì mấy ngày là đi!”. Bà đáp chẳng cần suy nghĩ.

Sau lần bị hót đi trường phục hồi nhân phẩm, bà bảo, bà xấu hổ không dám ra đứng đường nữa. Thế nhưng, theo lời của mấy người trong xóm, khi hết tiền, bà vẫn “tái xuất giang hồ”.

“Giang hồ mê chơi quên quê hương”

Người trẻ tuổi nhất phải vào học ở ngôi trường chẳng ai muốn thành học viên này là Trần Thị Hiền. Hiền quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Năm nay, Hiền vừa tròn 18 tuổi, trẻ nhất trường. Bất ngờ hơn, kỷ lục của Hiền khó ai có thể đạp đổ bởi cách đây 3 năm, khi Hiền mới 15 tuổi, cô cũng đã một lần đặt chân tới chốn này. Khi ấy, bởi Hiền chưa đủ tuổi nên chỉ nán lại đây ít ngày, sau đó được nhà trường trả về gia đình.  

Giọng nhẹ nhàng, thỏ thẻ nhưng tự nhiên, Hiền bảo, ở thành phố than, tầm tuổi như cô thì đứa nào mà chẳng biết chơi bời. Cha mất sớm, mẹ thì sớm hôm tần tảo bởi mưu sinh, ham chơi nên học đến lớp 7 Hiền từ biệt mái trường để… đi bụi. Một lần theo bạn dạt nhà sang Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), sau mấy ngày ăn chơi trác táng, hết tiền Hiền được người bạn ở đất ấy giới thiệu vào làm nhân viên phục vụ ở một quán karaoke trá hình. Quán ấy phục vụ khách từ A đến Z. Không có tiền thì làm gì chẳng được, nghĩ thế nên chẳng chút do dự, Hiền nhận lời ngay. 

Bị bắt trong một lần đi khách. Như các “cộng sự” khác, Hiền được đưa vào trường phục hồi nhân phẩm. Đang ở tuổi vị thành niên nên tá túc tại trường chừng nửa tháng, Hiền được trả về. Ở nhà được vài ngày, buồn chân ngứa cẳng, Hiền lại lang thang. Mồng 10 Tết Nguyên đán vừa rồi, một lần cùng đám bạn thuê nhà nghỉ để sử dụng ma tuý, Hiền lại bị bắt. Vậy là cô lại được quay lại chốn xưa, nơi mà trước đây mình đã một lần từng đến.

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Phạm Bích Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Giáo dục - Lao động Thanh Xuân cho biết, sau khi học tập, lao động tại đây, nhiều người đã hoàn lương trở lại với đời. Thế nhưng, cũng có rất nhiều học viên không thể hoàn lương. Những nhân vật kể trên là một điển hình. Cứ ra trường được ít lâu thì họ lại bị bắt và lại bị đưa vào đây. Với những học viên đã trở thành “người quen” này thì đến bây giờ, nhà trường và cả cộng đồng xã hội cũng chẳng có cách gì để đưa họ rời xa vũng lầy tội lỗi…

Đào Tuệ Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ