Kỳ 2: Để không phải học một đằng, làm một nẻo

Kỳ 2: Để không phải học một đằng, làm một nẻo

(GD&TĐ) - Hãy thử vào các trang báo mạng chuyên đăng tải thông tin tìm việc - có thể con số gần một triệu người thất nghiệp, 1,36 người thiếu việt làm năm 2012, trong đó lao động trẻ chiếm gần 50% (theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế) sẽ trở thành con số của sự hoài nghi chưa đầy đủ.

Chờ đợi một cách vô vọng, không tìm được một công việc đúng với chuyên môn nên đành phải chấp nhận bất cứ công việc gì để kiếm sống qua ngày. Đó là lý do một người tốt nghiệp Quản trị kinh doanh lại đi chạy bàn, một nam SV tốt nghiệp sư phạm lại đi bán phế liệu, thậm chí có người tốt nghiệp báo chí đi chạy xe ôm…

Tự tạo cho mình một lối rẽ

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào làm việc trái ngành nghề đã học cũng bi quan, thất bại. Có những người trong quá trình trải nghiệm với công việc, lại phát hiện niềm đam mê của mình đặt vào chính công việc đó hoặc là được chính người sử dụng lao động phát hiện ra năng lực cá nhân của họ. Trường hợp của Trần Văn Phong, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam là một điển hình. Tốt nghiệp ngành điện công nghiệp của một Trường ĐH Bách khoa, Nam làm nhiều hồ sơ nộp đơn xin tuyển dụng ở nhiều cơ quan nhà nước với ước muốn có được một vị trí xứng đáng như trông đợi của bản thân, của gia đình từ khi em bước chân vào giảng đường ĐH. Gần một năm ròng chờ đợi, không muốn hàng ngày phải chứng kiến sự buồn bã thất vọng của cha mẹ, Phong ra Đà Nẵng thuê chỗ trọ rồi tìm tới các chủ nhà thầu xin làm chân phụ nề.

Chọn đúng ngành phù hợp với khả năng sẽ giúp người lao động tránh trở thành lao động mùa vụ
Chọn đúng ngành phù hợp với khả năng sẽ giúp người lao động tránh trở thành
 lao động mùa vụ

Thế rồi lần ấy, Phong được theo ông chủ nhà thầu lớn tới thi công công trình Cung Thể thao của thành phố, người lãnh đạo ở đây phát hiện ra Phong có khả năng chuyên môn tốt ở lĩnh vực điện dân dụng, lại có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đã gợi ý cho em nộp hồ sơ để được xét tuyển vào cơ quan. Chỉ 3 tháng thử việc, Phong được vào biên chế chính thức và 6 tháng sau, được phụ trách bộ phận điện của Cung Thể thao với mức lương ổn định. Em tỏ ra khá hài lòng ở vị trí hiện tại.  

Trường hợp của Phạm Thị Thu Hương, quê ở Thăng Bình lại là một minh chứng khác của sự chọn lựa nghề nghiệp. Thiếu tới 2 điểm vào ĐH Sư phạm, Hương nộp đơn theo học CNTT ở một trường cao đẳng. Hết năm thứ nhất, Hương vẫn chưa cảm thấy mặn mà gì với ngành học, kiến thức, kỹ năng thu nhận được không bao nhiêu, và cũng không biết sau khi ra trường có xin được việc làm hay không, thế là Hương tìm tới cô giáo cũ hồi chủ nhiệm lớp 12 xin tư vấn: Cô bảo, tốt nhất em nên theo học một lớp sư phạm Mầm non, vì Hương có tố chất để làm một cô giáo, hơn nữa ngành Mầm non lại đang thiếu giáo viên và cũng đang được nhà nước đặc biệt quan tâm. Thế là Hương nghe theo, đầu tiên nộp đơn đi học Sư phạm Mầm non tại một trung tâm GDTX của quận. Có chứng chỉ sư phạm Mầm non, Hương xin vào dạy ở một trường MN tư thục. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, Hương vừa dạy vừa học tiếp lêm cao đẳng. Cho tới nay, Hương đã trở thành giáo viên giỏi của thành phố, và được đề bạt Phó hiệu trưởng của nhà trường.   

Hãy bắt đầu từ trường đời              

Biết chọn lựa đúng ngành nghề theo khả năng, nguyện vọng; không ảo tưởng ở bản thân và xa rời thực tế; kiên trì tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và cả  kinh nghiệm sống. Nên chăng, các bạn trẻ có thể chọn lựa cho mình đầy đủ hành trang như vậy trước khi vào đời.

Tại một công ty may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, lãnh đạo của công ty cho biết không thể thống kê hết số công nhân có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ. Nhưng họ biết chắc chắn có nhiều em tốt nghiệp ĐH Bách khoa hẳn hoi lại làm công nhân may, lắp ráp điện tử. Khi nộp hồ sơ, các em thường không khai báo rõ về bằng cấp, chắc là do mặc cảm, ngại bạn bè, người thân. Ông Huỳnh Viết Tư, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến việc làm Khu công nghiệp Hòa Khánh đã đưa ra những lý lẽ khá thuyết phục khi đưa ra lời khuyên: Hãy bắt đầu đi từ trường đời, trường nghề trước khi tìm được nghề nghiệp như mong muốn. Hầu hết SV vào làm công nhân ở Khu công nghiệp đều chẳng hiếm ai có dự định sẽ gắn bó lâu dài, chỉ để kiếm sống tạm thời, chờ cơ hội. Tuy nhiên, trong quá trình là công nhân, có những em cần cù, chịu khó, làm việc có hiệu quả, được chủ doanh nghiệp phát hiện ra năng lực, thế là được chủ doanh nghiệp bố trí ở một vị trí xứng đáng. Nghiễm nhiên, những sinh viên này được trả lương xứng đáng và ngày càng thành đạt”. Ông Huỳnh Viết Tư còn bày tỏ ý kiến như là giải pháp tháo gỡ tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”: Nên kể cho các em nghe những mẩu chuyện thực tế như vậy trước khi các em chọn lựa ngành nghề. Một khi chủ doanh nghiệp tìm được người điều hành, quản lý giỏi từ công nhân thì cả đôi bên đều có lợi. Các doanh nghiệp khi sử dụng lao động cũng nên động viên các em có sự trải nghiệm, rèn kỹ năng nghề nghiệp thì mới hòng gặp được cơ may. Với các kỹ sư trẻ, rất nên đưa họ xuống xưởng, làm việc như công nhân một thời gian để có thực tế, khi ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật, thiết kế mới có thể tự điều chỉnh và hoàn thiện công việc được”.  

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ