Kỳ 1: Nỗi buồn kho sách

Kỳ 1: Nỗi buồn kho sách

Thư viện là “kho” chứa sách?

Tình trạng thư viện chỉ là kho chứa sách vẫn rất phổ biến. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu phòng đọc riêng và đặc biệt là đầu sách không phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của học sinh.

Thầy Lê Ngọc Tĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ  (Thái Nguyên) chia sẻ: Là trường mới thành lập nên cơ sở vật chất rất khó khăn. Mặc dù mới khánh thành phòng học chức năng nhưng thư viện chỉ là nhà cấp 4. Nguồn sách trong thư viện chủ yếu do nhà trường tổ chức vận động học sinh đóng góp; trường có 2/3 số học sinh thuộc xã nghèo diện 135 được Nhà nước được hỗ trợ sách giáo khoa; một phần nhà trường bỏ tiền ra mua sách tham khảo cho giáo viên. Tuy nhiên thư viện hoạt động không hiệu quả. Vì không có phòng đọc riêng nên giáo viên và học sinh chỉ đến mượn sách về nhà học hay tham khảo. 

Thầy Lê Doãn Huy, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Như Xuân (Thanh Hóa), dãi bày: Thư viện của nhà trường chỉ là phòng thiết bị thư viện chung, không có phòng đọc dành cho giáo viên và học sinh. Trường thuộc diện 30A (60 xã nghèo nhất nước) nên một phần sách giáo khoa được Nhà nước cấp. Phần lớn sách trong thư viện chỉ là sách giáo khoa và sách tham khảo cho giáo viên. Truyện và sách báo còn nghèo nàn.

Rất ít học sinh đến thư viện để tham khảo thêm tài liệu môn học. Ảnh: Hải Tuấn
  Rất ít học sinh đến thư viện để tham khảo thêm tài liệu môn học.  Ảnh: Hải Tuấn

Dù ở ngay Hà Nội, thư viện Trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng chỉ là kho chứa sách. Được bố trí trong căn phòng rộng tương đương lớp học, với khoảng 13.000 bản sách tham khảo, SGK… và phòng đọc dành cho HS và GV.

Học sinh không mặn mà với thư viện

Ở các trường khác trên địa bàn Hà Nội, thư viện trường hầu như hoạt động không hiệu quả. Thầy  Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT DL Lý Thái Tổ cho biết: Thư viện chỉ là phòng chứa thiết bị thư viện. Sách tham khảo chỉ dành cho giáo viên là chủ yếu, còn học sinh thì hầu như ít quan tâm đến thư viện. Hiện nay, việc tiếp cận qua các phương tiện thông tin nghe, nhìn và internet với các em dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, khối lượng sách giáo khoa các em phải học đã quá nhiều rồi nên các em càng ngại tới thư viện hơn”.

Một trong những lý do học sinh không đến thư viện là không gian thư viện rất nhỏ bé, nên dù muốn vào cũng phải chờ đợi nhau.  Em Thùy Linh - lớp 12 Ban Tự nhiên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết: “Bọn em chỉ vào thư viện khi quên sách thôi. Bất đắc dĩ lắm mới vào vì dung lượng SGK quá lớn, đọc hết những gì viết trong sách cũng đủ”.

Cô Lan Anh, nhân viên thư viện Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) chia sẻ: Hiện trường có gần nghìn học sinh làm thẻ để mượn sách nhưng số lên mượn sách thì chỉ có học sinh khối 10 mới vào trường. Học sinh lớp 11, 12 thì chỉ có một số em chăm học mới thường xuyên lên thư viện. Sách trong thư viện thì chủ yếu là sách tham khảo các môn học, sách khoa học đời sống, đạo đức và các môn phụ nên chưa thu hút học sinh. 

Theo thầy Lê Ngọc Tĩnh, muốn thư viện phát huy được hiệu quả thật sự cần có thêm máy tính nối mạng. Tuy nhiên, mức đầu tư cho thư viện còn thấp nên khó hiện đại hóa. 

Trịnh Huyền

(Kỳ 2: Để thư viện là linh hồn của trường học)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ