Tuyến đường có chiều dài 36km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 482 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Trường Long và Công ty TNHH Tuấn Dũng thi công, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội của xã vùng biên Mô Rai của huyện Sa Thầy. Tuy nhiên, kỳ vọng đã nhanh chóng trở thành thất vọng khi tuyến đường này liên tục xảy ra tình trạng sạt lở, chia cắt giao thông.
Anh Phạm Quốc Trường ở xã Mô Rai cho biết: Năm nào tới mùa mưa đường này cũng bị sạt lở, không phải sạt lở một chỗ mà rất nhiều chỗ. “Tuyến đường này năm nào cũng bị sạt lở. Chỉ khổ cho người dân, đi lại khó khăn, hàng hóa nông sản vận chuyển thì giá thành cao, thu nhập chẳng được bao nhiêu”, anh Trường lắc đầu ngao ngán nói.
Bà Trương Thị Hạnh ở làng Rẽ, xã Mô Rai bức xúc: “Bà con ở xã biên giới trong này làm được bao lúa, củ mỳ (sắn) rất vất vả. Cứ nghĩ có đường sá thuận lợi chi phí vận chuyển sẽ thấp đi, hàng hóa của dân sẽ được giá, đời sống được nâng cao, nhưng mà cứ trời mưa là sạt lở như thế này khổ lắm. Mà đường sá sạt lở phải mấy ngày họ mới sửa, nhiều lúc bà con chúng tôi tự vận động thuê xe san gạt đất đá để đi”.
Ông H Rách Láo - Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho hay: Hiện nay, tuyến đường này chỉ có xe máy đi được nhưng lầy lội, còn ô tô, xe tải thì không thể đi được. Tỉnh lộ 674 là tuyến đường huyết mạch giúp giao thương hàng hóa giữa xã và huyện, nhưng từ năm ngoái đến nay liên tục bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại và phát triển kinh tế của địa phương.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, tuyến đường này UBND huyện đã bàn giao cho Sở GTVT quản lý. Về việc xây dựng tuyến đường thì đơn vị thi công bảo đảm quy trình kỹ thuật đúng thiết kế. Tuy nhiên, trong quá trình thi công một số vị trí do địa chất yếu nên bị sạt lở, việc khắc phục thì sạt lở đến đâu san ủi đến đó.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết: Tuyến đường 674 không phải do Sở GTVT làm chủ đầu tư và chỉ mới nhận bàn giao quản lý, khai thác từ ngày 5/8. Trước đó, Sở cũng phối hợp với UBND huyện Sa Thầy đi kiểm tra hiện trạng.
Theo đó, dọc theo tuyến tỉnh lộ 674 có 22 điểm sạt lở, 18 điểm sụt lở taluy dương, 2 điểm sạt lở mặt đường và sạt lở phía taluy âm, 1 điểm sạt lở nền đường phía hạ lưu cống tạo hàm ếch và 1 điểm rãnh thoát nước bị gãy nứt, xói lở mặt đường và gãy 2/3 mặt đường. Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số Sở, ngành, UBND huyện Sa Thầy tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình sạt lở, hư hỏng của con đường. Hiện, đơn vị cũng đang chờ tỉnh phê duyệt phương án để khắc phục.
“Trước mắt, Sở GTVT đã giao Công ty CP Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum thông tuyến để bảo đảm việc lưu thông đi lại của người dân. Về lâu dài thì đơn vị đã có phương án gửi Sở KH&ĐT xem xét, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Dự kiến, ngày 16/10, UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành mới có phương án cụ thể sửa chữa như thế nào, kinh phí từ đâu”, ông Hùng nói.