Kon Tum: Chi tiền tỷ trồng hơn 100 ha rừng thành… “đồi trọc”

GD&TĐ - Hơn 100 ha cây thông được trồng thay thế vào diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên Quốc lộ 24, sau nhiều lần bị phá hoại rồi được trồng lại, đến nay dự án này đã “phá sản”.

Dự án trồng hơn 100 ha rừng thông đã bị “phá sản”, giờ chỉ còn lại cây mì.
Dự án trồng hơn 100 ha rừng thông đã bị “phá sản”, giờ chỉ còn lại cây mì.

Trồng rừng thất bại vì gia súc… phá hoại

Thời quan qua, một số diện tích đất lâm nghiệp dọc Quốc lộ 24 (đoạn qua xã Pờ Ê, huyệnKon Plông, tỉnh Kon Tum) bị người dân lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp.

Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (Kon Tum) làm chủ đầu tư trồng 163 ha rừng thay thế dọc Quốc lộ 24 đoạn qua xã Pờ Ê, với tổng dự toán ban đầu 7,1 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã triển khai đo đạc, lập hồ sơ thiết kế, ký kết hợp đồng với 197 hộ dân tại các thôn 1, 2, 3, 7 xã Pờ Ê và trồng được 104,58 ha rừng cây thông.

Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn. Số diện tích rừng trồng này do UBND xã Pờ Ê quản lý.

Sau một thời gian, công ty tiến hành kiểm tra, nghiệm thu để thanh toán tiền chăm sóc rừng cho các hộ dân. Khi kiểm đếm thì số lượng cây chết chiếm 70%, mật độ cây sống bình quân 10 - 30% so với mật độ thiết kế. Nguyên nhân dẫn đến cây chết được xác định là do người dân địa phương chăn thả gia súc dẫm đạp trên diện tích đã được trồng rừng và phát dọn để trồng mỳ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, năm 2015, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Kon Plông đề xuất tiếp tục trồng rừng thay thế đối với diện tích hơn 104 ha đã trồng năm 2014. Tuy nhiên, sau khi được trồng lại thì số diện tích này tiếp tục bị gia súc phá hoại.

Sau đó, công ty tiếp tục triển khai trồng dặm, trồng lại được 80,96 ha. Mặc dù trong quá trình triển khai trồng rừng, công ty đã lập tổ giám sát cộng đồng gồm 18 người với số tiền chi trả là 21 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2016, diện tích rừng mới trồng lại bị thiệt hại hoàn toàn. Số diện tích rừng trồng bị chết được xác định là do người dân tiếp tục trồng mì trên diện tích rừng trồng và chăn thả gia súc. Ngay sau đó, công ty đã báo cáo UBND tỉnh xem xét cho ngừng hẳn việc trồng, chăm sóc rừng trên.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu công ty kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến vấn đề trồng rừng nhưng không thành rừng. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Kon Plông thu hồi toàn bộ diện tích đất lấn chiếm trên để có kế hoạch bố trí sử dụng diện tích đất thu hồi hợp lý, hiệu quả.

Dân lấn chiếm rừng thông để trồng mì

Ông Văn Đăng Thái, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho hay, để dự án thành công, đơn vị đã cung cấp giống, phân bón và cử người hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Thời gian đầu người dân chăm sóc khá tốt, cây thông hợp với thổ nhưỡng nên phát triển thuận lợi.

Tuy nhiên, đến năm 2015, khi vừa nghiệm thu xong, giá mì tăng cao nên người dân đã chặt phá một số diện tích rừng thông để trồng mì và dắt trâu bò lên chăn thả. Hiện tại, hơn 100 ha rừng thông trồng đã bị xóa sổ, số diện tích đất trên đã bị người dân lấn chiếm để trồng cây mì.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho hay, đơn vị đã chi 1,5 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng rừng này. Sau khi dự án bị “phá sản”, công ty đã tiến hành thu hồi được hơn 112 triệu đồng tiền đầu tư cho người dân trồng rừng. Tuy nhiên, số tiền còn lại sau nhiều năm vẫn chưa thu hồi được do hoàn cảnh người dân khó khăn.

Để bù đắp một phần vốn thất thoát, Công ty đã đề nghị và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho đơn vị sử dụng nguồn thu, nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng qua các năm.

Số chi phí còn lại, công ty xác định các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, dẫn đến việc trồng rừng không thành rừng phải chịu trách nhiệm chi trả một phần chi phí bồi thường đối với thiệt hại trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...