Giao tranh tại khu vực miền Nam Syria ban đầu nổ ra giữa nhóm người Bedouin theo Hồi giáo trung thành với Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa với lực lượng người Druze chiếm đa số tại đây.
Khu vực này vốn âm ỉ căng thẳng từ lâu, nhưng xung đột thực sự bùng phát hôm 14/7 vừa qua khi Chính phủ Syria đưa lực lượng tới thành phố Sweida ở miền Nam để khôi phục trật tự và họ đã đụng độ với lực lượng người Druze.
Druze là nhóm người Ả Rập thực hành một tín ngưỡng khác được tách ra từ Hồi giáo và họ chiếm đa số tại Sweida cùng các tỉnh lân cận khác ở miền Nam Syria. Khu vực người Druze ở Syria tập trung sinh sống này cũng nằm gần Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát và nằm sát với biên giới nhà nước Do Thái.
Tình hình xung đột ở Nam Syria phức tạp hơn khi đến ngày 15/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ dùng biện pháp quân sự để bảo vệ người Druze ở Syria vốn có quan hệ sâu sắc với người Druze tại Israel.
Chỉ một ngày sau, Israel đã thực hiện tuyên bố này bằng cuộc không kích nhằm vào trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự Syria và gần Dinh Tổng thống nước này ở thủ đô Damascus.
Lý do không kích được Israel đưa ra là trừng phạt việc lực lượng Chính phủ Syria đã đưa quân đến thành phố miền Nam Sweida để trấn áp “người anh em” Druze tại đây.
Israel cảnh báo sẽ leo thang cuộc tấn công nếu Syria không rút quân khỏi Sweida và để những người Druze tại đây được yên.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Murhaf Abu Qasra đã chấp thuận yêu cầu từ phía Israel và tuyên bố ngừng bắn với người Druze ở Sweida. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục xảy ra tại đây. Do lo ngại bị Israel trả đũa, Tổng thống Syria ngày 17/7 ra lệnh nhà chức trách xử lý ngay những ai vi phạm lệnh ngừng bắn, bất kể đang nắm giữ chức vụ nào.
Cộng đồng người Druze thiểu số tại Israel nhưng đóng vai trò quan trọng trong các lực lượng vũ trang của nhà nước Do Thái. Theo giới phân tích, ngoài lý do chính thức được đưa ra là bảo vệ những người Druze tại miền Nam Syria vì tình anh em sâu sắc giữa họ với người Druze ở Israel, việc quân đội Do Thái có hành động can thiệp là nhằm ngăn quân đội Chính phủ Syria đưa vũ khí và lực lượng xuống khu vực miền Nam.
Sau khi cựu lãnh đạo Syria Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm 2024, tình hình nước này đã diễn ra theo hướng có lợi cho Israel. Chính quyền mới do ông Ahmed al-Sharaa đứng đầu luôn có cách tiếp cận mềm dẻo và theo hướng đáp ứng các yêu cầu an ninh từ phía nước láng giềng Israel.
Chính quyền mới ở Syria cũng thay đổi lập trường của mình về Cao nguyên Golan vốn do Israel kiểm soát từ năm 1967. Ưu tiên của ông Ahmed al-Sharaa là sự công nhận quốc tế về tính hợp pháp của họ, thay vì nhấn mạnh vào việc đòi trao trả lại vũng lãnh thổ Golan như chính quyền trước ở Syria.
Hiện, quân đội Israel cũng đã đơn phương ban bố thiết lập một vùng phi quân sự ở khu vực phía Nam Syria để đảm bảo an toàn cho vùng biên giới của Israel giáp vùng đất này. Cộng đồng quốc tế đang tiếp tục gây sức ép để Israel dừng các hành động quân sự tại Syria, trong đó Mỹ thúc đẩy Tel Aviv bình thường hóa quan hệ với Syria.
Bối cảnh này cho thấy đốm lửa chiến sự ở miền Nam Syria đang bùng lên có nhiều khả năng sẽ được dập tắt trong thời gian ngắn sắp tới, ít có khả năng bùng phát trở thành điểm xung đột mới ở khu vực Trung Đông.