KLAUS FUCHS – Điệp viên nguyên tử

KLAUS FUCHS – Điệp viên nguyên tử

Kỳ 4. Nước Mỹ

(GD&TĐ) - Ấp ủ trong lòng mối thiện cảm với nước Nga Xô viết, Fuchs tìm cách tiếp cận những người đại diện nước Nga ở Anh. Một ngày, Fuchs tới ga Paddington ở London, từ đó đi khoảng nửa dặm (0,8km) đến Đại sứ quán Nga tại Anh, xin gặp tùy viên quân sự. Một người đàn ông cao to, dáng vẻ dân dã, gặp anh tại văn phòng phía ngoài. 

->> Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên
->> Kỳ 2. Dự án bom nguyên tử Anh
->> Kỳ 3. Thời hoa niên sôi nổi
Harry Gold (CORBIS)
Harry Gold (CORBIS)

Đó là tùy viên quân sự Jurgen Kuczynski. Kuczynski chẳng khác mấy so với những gì Kuchs tưởng tượng. Ông chính là điều phối viên của các đường dây tình báo ở Anh và là một thành viên của Ban Giám đốc tình báo quân đội Nga. Kuczynski mời Klaus một tách trà theo kiểu Nga rồi nói rằng họ sẽ giữ liên lạc, và một cô gái từ Banbury sẽ tìm cách tiếp cận Fuchs. “Tách trà” này chính là khởi đầu cho sự nghiệp tình báo của Klaus Fuchs.

Giữa năm 1942, khi Klaus làm việc trong Dự án Hợp kim ống và sau cuộc gặp với tùy viên quân đội Đại sứ quán Nga, những cuộc gặp gỡ giữa Klaus và “Cô gái từ Banbury” bắt đầu. Đó chính là Ursula, em gái của Jurgen Kuczynski. Đúng theo kiểu tình báo, những cuộc gặp gỡ này rất bí mật và diễn ra nhanh chóng. Thoạt đầu, Klaus chỉ chuyển những thông tin về nghiên cứu khoa học riêng của mình. Anh cho rằng nếu cung cấp thông tin từ nghiên cứu của những người khác thì chẳng khác nào mình đang “bóc lột” công sức lao động của đồng nghiệp.

Mọi chuyện đều suôn sẻ. Sự đóng góp của Klaus cho Dự án ngày càng nhiều hơn. Michael Perrin cho rằng đã đến lúc cho phép Klaus được tiếp cận những thông tin tuyệt mật, để công việc “nghiên cứu” của anh thuận lợi hơn. Perrin đứng ra bảo lãnh cho Klaus nhập quốc tịch Anh. Dù các nhà chức trách Anh biết về quá khứ hoạt động trong đảng Cộng sản của Klaus nhưng trong 9 năm kể từ khi anh đặt chân đến vương quốc này, không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ anh vẫn là một người Cộng sản đang hoạt động.

Trong khi đó, Dự án lại cần những nghiên cứu xuất sắc của Klaus. Và như thế, Klaus đã trở thành công dân Anh đúng vào dịp sự nghiệp điệp viên của anh bắt đầu. Phần thú vị nhất của câu chuyện là một ngày, Perrin nói với Klaus về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ và Anh trong việc chế tạo bom hạt nhân. Ông chỉ định Klaus là một thành viên trong phái đoàn các nhà khoa học nguyên tử tới Mỹ.

Tháng 12/1943, sau một chuyến đi chẳng mấy bình an, Klaus và bốn đồng nghiệp hạ cánh ở Norfolk (Virginia, Mỹ), nơi những hoạt động thời chiến đang diễn ra nhộn nhịp. Những con tàu đang trong giai đoạn hình thành, thủy thủ và công nhân chế tạo tàu có mặt ở khắp nơi. Chuyến đi này của Klaus thật khác hẳn chuyến đi 4 năm trước đó, khi anh bị nhồi nhét trong chiếc tàu nhỏ sang Canada để rồi bị giam lỏng trong suốt 9 tháng đằng đẵng. Lần này, Klaus đã trở thành một công dân Anh, một chuyên gia hạt nhân đáng kính.

Sau khi check-in, đoàn chuyên gia khoa học Anh đi tàu hỏa đến Washington DC rồi bắt một chuyến tàu khác đến New York tham gia hỗ trợ một nghiên cứu ở ĐH Columbia. Tại đây, Klaus có cơ hội thăm cô em gái Kristel, giờ đã lập gia đình ở Cambrige, Massachusetts. Nhưng trước tiên, anh cần phải gặp gỡ một người, đó là Harry Gold, người mà Klaus chỉ biết với cái tên Raymond.  

Kiều Phong (Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ