Theo trang Phys.org, hình ảnh đặc biệt này từ kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) về cụm thiên hà Abell 2813 ngoài vẻ đẹp vô cùng tinh tế, còn thể hiện tính chất vật lý đáng chú ý đang hoạt động bên trong nó. Hình ảnh minh chứng một cách ngoạn mục khái niệm thấu kính hấp dẫn.
Trong số các chấm nhỏ, hình xoắn ốc và hình bầu dục là các thiên hà thuộc cụm Abell 2813, có một số hình dạng lưỡi liềm riêng biệt. Những vòng cung ánh sáng cong này là những ví dụ mạnh mẽ về một hiện tượng được gọi là thấu kính hấp dẫn.
Thấu kính hấp dẫn là một hiện tượng thiên văn xảy ra khi ánh sáng (và sóng điện từ nói chung) phát ra từ một vật thể bị lệch hướng trên đường đi dưới tác dụng của lực hấp dẫn khi qua gần các thiên thể khác.
Sự bẻ cong đường đi của ánh sáng bởi lực hấp dẫn đã được lý thuyết tương đối rộng tiên đoán và được kiểm chứng lần đầu vào lần nhật thực năm 1911.
Ánh sáng càng bị bẻ cong khi đi gần các vật thể có mật độ khối lượng càng lớn. Do đó hiện tượng này được quan sát rõ hơn nếu ánh sáng đi qua gần các hố đen hay các thiên hà. Lúc đó hình ảnh của các ngôi sao hay nguồn phát sáng bị thay đổi, chia làm nhiều phần hay được hội tụ, làm cường độ sáng tăng lên, cho phép quan sát vật ở xa.
Trong bức ảnh, các hình chóp cong và hình chữ "S" là ánh sáng từ các thiên hà nằm ngoài Abell 2813. Cụm thiên hà có khối lượng lớn đến mức nó hoạt động như một thấu kính hấp dẫn, bẻ cong ánh sáng từ các thiên hà xa hơn xung quanh nó.
Những biến dạng này có thể xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn như đường thẳng dài hoặc vòng cung.
Bức ảnh là tổng hợp các quan sát được chụp bằng camera nâng cao cho khảo sát (ACS) và camera trường rộng 3 (WFC3) của kính viễn vọng không gian Hubble.