Thanh Hóa: Gỡ khó cho người dân ở “thủ phủ” trồng đào Mường Lát

GD&TĐ - Mường Lát (Thanh Hóa) là huyện có đường biên giới với nước bạn Lào và cũng là nơi có nhiều người trồng đào.

Người dân xã Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa) chặt đào trồng của gia đình ra bán ở Quốc lộ 15C.
Người dân xã Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa) chặt đào trồng của gia đình ra bán ở Quốc lộ 15C.

Năm nay, công tác quản lý tình trạng chặt cành đào trong dịp Tết Nguyên đán, được địa phương này tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Không gây khó cho người trồng đào

Ngày 25/1, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản chỉ đạo việc: Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang có ý kiến chỉ đạo, như sau: Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 45/CT-TTg.

Đồng thời, nghiên cứu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dịp Tết, có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Bính - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát, cho biết: Từ khi có ý kiến chỉ đạo nêu trên, Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã phối hợp với các ngành chức năng địa phương xây dựng phương án quản lý cây đào trồng. Trước mắt, lực lượng kiểm lâm huyện Mường Lát phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nhân dân không chặt cây rừng, đào rừng để chơi Tết.

Tuyên truyền, vận động bà con giữ lại gốc đào do gia đình trồng đã có nhiều năm tuổi, để nhân rộng mô hình trồng đào lưu gốc. Bà con không được bứng cả gốc đào, mà chỉ nên chặt cành. “Những năm trước đây, ở Mường Lát, mỗi khi Tết đến, người dân thường qua nước bạn Lào thu mua đào đem về để bán. Bên cạnh đó, có nhiều gia đình khi bán đào trồng, thì bứng luôn cả gốc cây.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid-19, nên các cửa khẩu cấp quốc gia ở Mường Lát với Lào được thắt chặt. Vì vậy, không có tình trạng người dân hai nước qua lại như trước kia. Chính vì thế, thương lái ở dưới miền xuôi lên Mường Lát chi thu mua cành đào trồng”, ông Bính cho hay.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề quản lý, xác định như thế nào là đào rừng, đào trồng là rất khó. Do đó, Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn tăng cường phối hợp với chính quyền các xã kiểm tra, quản lý. Bởi lẽ, chỉ có cán bộ xã mới nắm được những hộ nào có đào trồng và những người nào vào rừng chặt hạ đào rừng.

“Đối với thương lái, nếu phát hiện những xe tải chở đào cành, đào gốc, thì buộc phải kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Nếu đúng đào do người dân trồng được, bán cho thương lái, sẽ giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Còn khi người mua, bán đào cành không chứng minh được nguồn gốc đào, thì phải giữ lại để kiểm tra, xử lý”, ông Bính cho biết thêm.

Chính quyền xác nhận đào cho dân

Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Hiện, trên địa bàn Mường Lát không còn đào trong rừng tự nhiên. Năm nay, huyện chỉ đạo vẫn cho dân chặt đào trồng ở vườn, đồi nhưng không được bứng cả gốc. “Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu chính quyền các xã phối hợp với các cơ quan chức năng, Hạt kiểm lâm... truy xuất nguồn gốc cây đào để quản lý.

Sau khi truy xuất được nguồn gốc, thì UBND xã xác nhận cho người dân và thương lái, để họ mua bán, vận chuyển về xuôi. Tuy nhiên, UBND xã và các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân chặt cành đào, để bán trong dịp tết”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) vừa qua, Mường Lát đã vào Nghị quyết chương trình trọng tâm phát triển kinh tế. Trong đó, mở rộng vùng trồng đào, mận trên địa bàn một số xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý... “Hiện, ở hai xã này đã có hàng trăm hộ gia đình trồng đào và mận.

Mỗi năm, người trồng đào thu nhập từ quả và bán cành cho thương lái ở dưới xuôi lên mua vào dịp Tết. Cây đào và cây mận ở Mường Lát vài năm trở lại đây đang trở thành cây trồng đem lại thu nhập khá cho bà con”, ông Dũng chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, một thương lái ở dưới xuôi lên Mường Lát thu mua đào cành đào về bán Tết, cho hay: Mặc dù năm nay, anh mua đào cành của người dân, phải có xác nhận của chính quyền xã. Thế nhưng, việc xác nhận nguồn gốc đào của người dân cũng rất đơn giản, không ai gây phiền hà. “Lúc đầu, khi mới nghe nói nếu mua đào cành của người dân, phải được chính quyền địa phương xác nhận, tôi cũng cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi lên đây thu mua đào của bà con, mới thấy việc xác nhận của chính quyền địa phương rất đơn giản, nhanh gọn. Chủ nhà chỉ cần báo cáo với cán bộ xã là có người đến mua đào cành của họ, thì sẽ được cán bộ làm giấy xác nhận. Sau đó, chúng tôi thỏa thuận xong giá cả, chặt đào, rồi chở về xuôi kèm theo giấy xác nhận ấy là ổn thỏa”, anh Hiệp tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ