Hà Tĩnh: Ốc hương không còn… thơm

GD&TĐ - Từ 250 nghìn - 300 nghìn đồng/kg, giá ốc hương tại Hà Tĩnh bất ngờ giảm hơn một nửa. Dù đang đầu mùa vụ nhưng người nuôi trồng vẫn chấp nhận bán lỗ vì không có thị trường tiêu thụ.

Do dịch bệnh Covid-19, thị trường đóng băng nên khu vực Cồn Vạn chỉ lác đác vài tiểu thương trong tỉnh tới mua hàng với số lượng nhỏ lẻ.
Do dịch bệnh Covid-19, thị trường đóng băng nên khu vực Cồn Vạn chỉ lác đác vài tiểu thương trong tỉnh tới mua hàng với số lượng nhỏ lẻ.

Chỉ từ 100.000 đồng/kg

Chỉ sau 6 tháng nuôi thả, lứa ốc hương năm nay của gia đình anh Kiều Sơn Trình (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) cho năng suất cao và kích thước to hơn những năm trước. Thế nhưng, thay vì vui mừng cho một vụ mùa bội thu thì vợ chồng anh lại thấp thỏm khi ốc hương bất ngờ rớt giá thê thảm.

“Thời tiết năm nay rất thuận lợi vì vậy ốc hương to hơn, trung bình khoảng 100 - 120 con/kg. Nhưng hiện nay giá bán chỉ được từ 100.000 đồng – 140.000 đồng/kg. Thậm chí có lúc còn bị ép giá xuống 90.000 đồng/kg.

Trong khi đó những năm trước ốc hương có giá từ 225.000 đồng/kg. Những loại ốc to nhập tại các hồ có giá khoảng 300.000 đồng/kg”, anh Trình cho hay.

Mùa vụ năm 2020, gia đình anh Kiều Sơn Trình lãi gần 500 triệu đồng từ nuôi ốc hương. Năm 2021, gia đình anh quyết định vay vốn để mở rộng thêm các ao hồ tại vùng nuôi trồng thủy sản Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh) để thả gần 7 triệu con giống.

Trái với kỳ vọng, dù đã đến thời gian thu hoạch nhưng ốc hương được thu mua rất nhỏ lẻ, giá ốc hương chỉ còn bằng một nửa so với mùa trước.

“Hơn 5 năm nuôi ốc hương, chưa bao giờ giá ốc rẻ mạt như vậy. Mấy tuần trước, thương lái vào mua rẻ tôi không bán vì tiếc công nuôi. Nhưng từ đó đến nay, giá cũng không nhỉnh lên chút nào nên vợ chồng tôi chấp nhận phải bán lỗ để gỡ vốn, chứ mùa mưa bão cũng sắp tới”, anh Trình thở dài.

Trong sáng nay, anh Trình cũng vừa bán được gần 2 tạ ốc hương với giá khoảng 130.000/kg cho thương lái ở trong vùng.

Tại hồ nuôi ốc của hộ gia đình ông Trần Mạnh Duyên (63 tuổi, trú thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cũng đang lo âu vì chỉ mới bán được 2/5 hồ nuôi. Vụ ốc năm nay, ông và 2 người con cùng hùn vốn thả 14 triệu con giống trên 5 hồ nuôi, tổng diện tích gần 3ha. Chi phí đầu tư giống hơn 800 triệu đồng. Sau 7 tháng nuôi, mỗi hồ thu được 5 tấn ốc hương thành phẩm.

“Giá ốc đã thấp chưa từng có nay người mua cũng vắng tanh. Mấy hôm trước, nhà tôi vừa bắt hai hồ mà tính toán đã lỗ gần 500 triệu đồng”, ông Duyên nói.

Theo ông Duyên, ngoài chi phí con giống cao, ốc hương là loại rất khó nuôi, nếu gặp mưa lũ, gây sốc nước là chết hết. Ngoài ra thức ăn cho ốc hương chủ yếu là các loại cá biển, ghẹ, tôm… nên nguồn đầu tư lớn. Cứ 4 ngày cho ăn 3 ngày, nghỉ 1 ngày. Mỗi lần cho ốc ăn gần 7 tạ cá.

Ông Duyên cũng là người nuôi ốc hương đầu tiên tại Cồn Vạn. Sau khi chuyển từ nghề đánh bắt cá sang nuôi trồng ốc hương đã giúp kinh tế gia đình ông từng bước ổn định hơn. Nhưng, 2 năm lại đây thời tiết thất thường cùng dịch bệnh khiến một số hộ nuôi trồng thủy sản tại Cồn Vạn bị thất thu.

Ông Duyên cho biết, vụ mùa năm ngoái, do thả giống muộn nên thời điểm thu hoạch cũng đúng vào mùa mưa bão, ốc bị chết hơn nửa, lỗ gần 500 triệu. Năm nay, 3 bố con ông chung tay đầu tư để gỡ nhưng ốc rớt giá. Ông Duyên nhẩm tính, vụ này 3 bố con ông có nguy cơ lỗ khoảng 1 tỷ đồng.

Thị trường “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19

Vào dịp từ tháng 8 (âm lịch) và cuối năm thường là vụ thu hoạch chính của người nuôi ốc hương. Những năm trước đến vụ thu hoạch, khu vực nuôi trồng thủy sản Cồn Vạn luôn tấp nập xe vào ra mua hàng từ Bắc vào Nam. Năm nay, ốc hương đã vào vụ thu hoạch gần 1 tháng nhưng  khu vực này chỉ lác đác một vài xe hàng của người dân trong tỉnh.

“Ngày trước, thương lái đặt cọc sẵn tiền cho các hồ có ốc lớn, đẹp. Nay chúng tôi trực tiếp liên hệ mà họ không mua vì chẳng biết bán đi đâu”, anh Trình cho biết.

Khu vực Cồn Vạn hiện có khoảng 15 hộ nuôi ốc hương với diện tích gần 8ha, là một trong những vùng nuôi ốc hương nhiều nhất tại Hà Tĩnh. Dự kiến, năm nay người dân sẽ thu hoạch gần 90 tấn ốc hương thương phẩm, tăng 1 - 2 tấn/hồ so với mọi năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các hộ nuôi đang “đứng ngồi không yên” vì giá ốc hương xuống thấp, nguy cơ lâm nợ hiển hiện.

“Với giá bán này không hộ nuôi nào có lãi, còn nếu không bán được thì rất ít người trụ nổi đến cuối năm vì chi phí thức ăn, chăm sóc, thuốc men khi ốc lớn rất tốn kém. Vụ này những hộ nuôi ít còn có khả năng hòa vốn chứ nuôi nhiều thì sợ bị lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng”, ông Duyên nhẩm tính.

Theo các tiểu thương buôn bán ốc hương, giá ốc xuống thấp vì tình hình dịch bệnh Covid-19, các tỉnh cách ly xã hội nên việc vận chuyển hàng vào các thị trường như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội, TPHCM… gặp khó. Ngoài ra, nửa năm nay việc xuất khẩu ốc hương sang thị trường Trung Quốc đóng băng cũng góp phần khiến giá ốc lao dốc.

Theo ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ chủ yếu sang Trung Quốc bị “đóng băng” nên giá ốc hương giảm hơn nửa. Vì sợ lo ảnh hưởng trong mùa mưa bão, nhiều người dân buộc phải bán tháo để giảm thiểu thiệt hại.

“Năm nay vì giá xuống thấp khi thị trường tiêu thụ khó nên người nuôi không có lợi nhuận. Giá cao nhất thời điểm này cũng chỉ bán được 140 nghìn đồng/kg”, ông Vinh nói.

Để giúp bà con sớm xuất bán, chính quyền địa phương đã chủ động liên hệ với một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy hải sản, tiểu thương tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sức mua các cơ sở trong tỉnh còn rất nhỏ lẻ.

“TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thị trường nội địa tiêu thụ hương lớn nhất thì liên tục giãn cách xã hội, các tỉnh, thành còn lại cũng chung cảnh tương tự. Còn xuất khẩu ngưng trệ nhiều tháng nay rồi. Giờ ốc có rẻ cũng không dám nhập hàng vì không biết bán đi đâu”, bà Phạm Thị Vân, một tiểu thương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.