Dùng đôi chân gấp ước mơ

Dùng đôi chân gấp ước mơ

(GD&TĐ) - Sống mũi cao, đôi mắt đen láy, nhanh nhẹn, khuôn mặt thư sinh tuấn tú, miệng lúc nào cũng cười tươi. Chỉ có khác biệt duy nhất, đôi chân của em không chỉ để chạy nhảy vui đùa mà còn làm rất nhiều việc thay cho đôi tay bị khuyết tật. Đó là Nguyễn Viết Hưng (sinh năm 2005), học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Hoằng Long, TP Thanh Hóa.

Cổ tích đời thường

Kể về Nguyễn Viết Hưng, giáo viên và học sinh hồ hởi như là niềm tự hào, là tấm gương của trường.

Vào lớp học, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy Hưng đang dùng đôi chân nhẹ nhàng lướt trên trang giấy trắng, từng hàng chữ  ngay ngắn được hiện ra sạch, đẹp. Nếu chỉ xem cuốn vở chính tả ấy, hẳn không ai nghĩ những nét chữ tròn trịa đó lại được viết bằng đôi chân vừa lấm lem vì chơi đùa cùng bạn bè.

Cô Phạm Thị Bắc, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học Hoằng Long cho biết: Mặc dù khuyết tật nhưng Hưng vẫn rất lạc quan, luôn vui vẻ, chơi đùa, hòa nhập với bạn bè, ham học, thông minh, hay giơ tay lên phát biểu bài. Kỳ thi vừa qua em đạt học sinh giỏi của lớp, đạt loại A vở sạch, chữ đẹp. Điều đặc biệt, Hưng có giọng hát rất hay, và đôi chân khéo léo với tài gấp thủ công rất nhanh và đẹp. Cô Bắc đưa cho em một tờ giấy, đôi chân thoăn thoắt miết trên từng nếp gấp, chỉ vài phút sau em đã làm được một chiếc máy bay giấy rất đẹp.

Hưng cùng các bạn khi tan trường
                 Hưng cùng các bạn khi tan trường

Được biết, trong dịp Hội người khuyết tật Thanh Hóa về biểu diễn văn nghệ, Hưng đã xung phong lên hát một bài và được Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh xin tuyển vào đoàn. Do em còn nhỏ nên gia đình chưa muốn cho đi xa. Hát hay lại được các bạn quý mến nên Hưng được bầu làm Quản ca của lớp từ năm lớp 1. Các bạn trong lớp cũng luôn giúp đỡ em, như đeo cặp sách hoặc mỗi lần đi vệ sinh đều có bạn xung phong đi cùng để phụ giúp.

Những ngày đầu vào lớp một, tập viết là cả một nỗ lực đầy khó khăn của Hưng. Chân lên gân để kẹp lấy chiếc bút rồi phải nhẹ nhàng kéo từng nét chữ, có lúc chân ra mồ hôi bị ướt chiếc bút bướng bỉnh tuột khỏi chân. Vậy mà em vẫn không nản lòng, cần mẫn viết, rồi cuối cùng đôi chân cũng uốn dẻo lượn theo từng nét chữ xinh xắn của em.

Người ta nói “khó hai bàn tay”, Hưng lại nằm trong “cái khó” đó, thế nhưng em đã biết vượt lên để chiến thắng bản thân mình. Đó là nghị lực phi thường, là tấm gương để các bạn noi theo.

Vượt lên số phận

Tiếng trống tan trường vang lên, lớp học rộn ràng tiếng cười nói, tiếng lào xào của sách vở. Một bạn nhanh nhẹn chạy lại giúp Hưng thu dọn đồ và đeo cặp sách lên vai cho Hưng. Ra khỏi lớp em cũng ríu ra ríu rít cùng các bạn. Hôm nay, cô Bắc đưa em về nhà. Hai cô trò dừng lại ở một ngôi nhà nhỏ bên cánh đồng, bên trong chỉ có bộ bàn ghế và chiếc tủ cũ kỹ.

Bố mẹ Hưng đều làm nghề nông tại thôn 5, xã Hoằng Long, Hưng là con thứ 3, cũng là con út trong nhà. Chị Nguyễn Thị Thi, mẹ của Hưng tâm sự: Khi mang bầu Hưng được 4 tháng bị chó cắn, chị đã ra hiệu thuốc và người bán thuốc đã bán cho chị 2 liều thuốc về uống. Vì nhà nghèo cũng không có tiền để khám và siêu âm. Không biết có phải do di chứng đó không mà đến khi sinh ra cháu không bình thường như những đứa trẻ khác. Thương con, chị nhìn con lớn lên từng ngày mà không khỏi xót xa. Nhưng thời gian trôi qua, thấy con nhanh nhẹn, thông minh, anh chị cũng an ủi phần nào.

Dùng đôi chân gấp ước mơ ảnh 2
Cô Phạm Thị Bắc đang hướng dẫn Hưng học bài

Điều đặc biệt, Hưng có tính tự lập từ rất sớm, như ý thức được đôi chân mình phải gánh thêm phần việc của đôi tay bị khiếm khuyết nên khi được 5 tuổi em đã tự tập làm những công việc sinh hoạt hàng ngày như: Uống nước, cầm đũa ăn cơm, đánh răng… những trò chơi đánh bi, ném vòng Hưng đều chơi rất giỏi. Em cũng rất mê các đồ điện tử, chỉ cần nhìn người khác làm một lần là em có thể làm lại được ngay.

Ở nhà em vẫn đùa nghịch với các bạn cùng xóm, nhưng khi bắt đầu đến trường Hưng cũng e ngại vì thỉnh thoảng có bạn vô tình trêu trọc. “Khi vào mầm non và lớp 1, sáng nào cháu cũng muốn được mẹ đưa đến trường để được an ủi, vỗ về, tiếp thêm nghị lực. Bây giờ thì khác rồi, cháu tự tin, vui vẻ và hòa đồng với các bạn, những hôm mẹ bận cháu tự đến trường, tự về nhà một mình”- Chị Thi khoe.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoằng Long, cô Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, nhà trường cũng luôn quan tâm động viên chia sẻ với những khó khăn của em như: Hỗ trợ miễn giảm các khoản đóng góp, tặng quà những ngày lễ, tết, tặng áo đồng phục… Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác như: Hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương cũng tặng quà cho em hàng năm.

Hỏi về mong ước hiện tại của em, chân cầm cốc nước vừa uống Hưng vừa bẽn lẽn: “Em ước có được một chiếc máy tính để được học toán, giải những bài toán trên mạng giống như các bạn ở lớp”.

Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ