Cơ chế thoáng hay kẽ hở cho thực phẩm kém chất lượng?

GD&TĐ - Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm vừa được Chính phủ ban hành được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ vì giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí…

Cơ chế thoáng hay kẽ hở cho thực phẩm kém chất lượng?

Tuy nhiên, một số khác lại có ý kiến lo ngại việc thông thoáng này có là khe hở để các doanh nghiệp lưu hành các sản phẩm kém chất lượng và đẩy người tiêu dùng vào thế loay hoay không biết lựa chọn sản phẩm nào.

Mở cửa thông thoáng cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sẽ giúp tạo sự thay đổi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm gần gần 8.000 ngày công và 3.000 tỷ đồng so với 5 năm thực hiện Nghị định 38.

Nghị định mới thay đổi thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, thay đổi về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Chẳng hạn tất cả các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp có thể tự công bố hoặc đăng ký công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước. Với những sản phẩm không thay đổi gì về chỉ tiêu an toàn thì chỉ cần công bố 1 lần có nghĩa là có giá trị vĩnh viễn chứ không như trước đây là phải 3 hoặc 5 năm phải công nhận lại.

Trước đây, các sản phẩm bao gói trước khi lưu hành phải công bố chứng nhận hợp quy, thường quy, nhưng theo tính toán của Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì số doanh nghiệp có thể tự công bố lên tới 90%, tiết kiệm khoảng 1.600 ngày công/năm và 600 tỷ đồng/năm. Đồng thời, hồ sơ yêu cầu bản tự công bố, trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố được giảm nhiều loại giấy tờ, thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 7 ngày, trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.

Với quy định này, “Cục ATTP chỉ có trách nhiệm cấp đăng ký với các sản phẩm sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới…; Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự công bố và báo cho cơ quan quản lý địa phương.

Một sản phẩm nhập khẩu về chỉ chịu sự kiểm tra chuyên ngành của một cơ quan, một cơ sở sản xuất nhiều nhóm ngành do nhiều cơ quan quản lý thì doanh nghiệp được tự lựa chọn một cơ quan quản lý để làm thủ tục hành chính; một doanh nghiệp có nhiều nhà máy sản xuất các mặt hàng thì được lựa chọn một địa phương để công bố cho tất cả các sản phẩm được sản xuất ở địa phương khác” - ông Phong chia sẻ.

Sẽ siết chặt hậu kiểm

Về phía doanh nghiệp, Nghị định 15 được coi là cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực ATTP. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Nghị định 15 thay thế cho Nghị định 38, đặt dấu chấm hết cho quá trình gian nan, gian khổ, hết sức hành chính, hình thức, không nâng cao được ATTP mà chỉ gây tốn kém cho xã hội. Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.

Với việc chuyển phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhiều ý kiến lo ngại làm thế nào để biết rằng các cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng ATTP của sản phẩm, tránh để người dân phải loay hoay tìm những sản phẩm an toàn. Vấn đề này được Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong lý giải: Do thay đổi về cách quản lý nên việc đầu tư cho nguồn lực, nhân lực cũng sẽ thay đổi - từ giám sát, các thủ tục giấy tờ, chuyển sang giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm. “Khi kiểm tra, chúng tôi sẽ thực hiện các test nhanh, với các sản phẩm xuất hiện chất cấm thì xử lý, phạt ngay như test nước tiểu lợn; test màu sắc thực phẩm nếu có xuất hiện kiềm tức là sử dụng màu công nghiệp cũng sẽ bị xử phạt ngay. Còn với những sản phẩm được sử dụng một số hóa chất trong giới hạn thì chúng tôi sẽ đem về xét nghiệm, nếu vượt ngưỡng cũng sẽ bị xử phạt” - ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, Nghị định 15 đã tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Cục ATTP cũng sẽ đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ để sửa đổi Nghị định 178 để tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm; Đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về ATTP. Ngoài ra, Nghị định 15 chỉ là Nghị định về tạo cơ chế trong việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, tập trung vào chỉ tiêu ATTP, không có nghĩa là bỏ trống chất lượng sản phẩm. Vấn đề này vẫn được Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm soát chặt chẽ.

Nghị định 15 được ban hành ngày 2/2/2018 và có hiệu lực ngay tại ngày ký thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, giảm chi phí…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ