Kinh tế Việt Nam tiếp đà tăng trưởng ấn tượng

GD&TĐ - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình kinh tế quốc tế nửa đầu năm 2018 diễn biến khá phức tạp và gây bất lợi cho nước ta, đặc biệt là trong quý II. Tuy vậy, kế thừa đà tăng trưởng ấn tượng từ quý I/2018, tình hình kinh tế trong quý II tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ.

Dù gặp khó khăn lớn về xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tích cực
Dù gặp khó khăn lớn về xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tích cực

Cụ thể, GDP quý II/2018 ước tăng 6,91% so với cùng kỳ, nâng tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt ở mức 7,08%. (quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây . Trong đó: (i) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước tăng cao, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. (ii) Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,07%, đóng góp 48,9% vào mức tăng trưởng chung, trong đó riêng công nghiệp tăng 9,28%, ngành xây dựng tăng 7,93%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (8,5%). (iii) Khu vực dịch vụ tăng 6,9%, tương đương mức cùng kỳ năm 2017 (6,89%), đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung.

Bộ Công Thương cho rằng, điều này đạt được nhờ tác động tích cực từ cả những yếu tố bên ngoài và nội lực bên trong nền kinh tế. Yếu tố ngoại lực quan trọng phải kể đến là sự phục hồi tích cực của kinh tế thế giới, giá dầu và giá một số khoáng sản tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp).

Về nội lực, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tiêu dùng trong nước tăng trưởng khả quan, sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đà tăng trưởng tốt của khu vực dịch. Mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp của nửa đầu năm 2017 cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ đạt mức cao.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) tiếp tục cho thấy sự cải thiện tích cực. Chỉ số toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5 và 55,7 điểm trong tháng 6. Kết quả này cho thấy, sự cải thiện đáng kể nhất của lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 4/2017. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh và nhanh nhất trong vòng 14 tháng nhờ lĩnh vực xuất khẩu, từ đó dẫn đến sự lạc quan về triển vọng tăng sản lượng trong tương lai gần.

Cũng theo Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các hiệp định kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ: Sự thay đổi một số chính sách của các nền kinh tế/khu vực chủ chốt trên thế giới, thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, cán cân thương mại nhập siêu trong 2 tháng gần đây, sức ép lạm pháp tăng lên, diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu...

Trước tình hình đó, để triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, cụ thể ngay từ những ngày đầu năm 2018 các chương trình hành động thực hiện những chỉ đạo điều hành của Chính phủ; nhờ đó, tình hình phát triển công nghiệp và hoạt động thương mại đã và đang chuyển biến tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ