Kinh tế TPHCM sẽ tái lập đỉnh vào năm 2025-2026

GD&TĐ -  Theo dự báo, kinh tế TPHCM đang phục hồi, sẽ tái tạo đỉnh tăng trưởng vào năm 2025-2026.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng/SGGP
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng/SGGP

Ngày 15/7, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tham dự hội nghị có bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, kinh tế TPHCM có lúc đạt được tăng trưởng hai con số, cao gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trường suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy ở quý 1/2023.

Theo phân tích, quý 1/2023 bộc lộ rõ những tồn tại từ nhiều năm trước do cơ chế kinh tế chậm được tái cơ cấu, thể chế quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Do đó, 2 vấn đề này cần được tập trung, làm rõ trong thời gian tới để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế quản lý đô thị.

Cũng theo ông Mãi, 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực của TPHCM đều có điểm nghẽn, tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Dù vị trí đầu tàu của TPHCM đang có xu hướng giảm nhưng những tiền đề tạo ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng các cơ chế, chính sách của Trung ương và nỗ lực của Thành phố, dự báo kinh tế TPHCM sẽ phục hồi trở lại.

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế, cho biết: Kinh tế TPHCM đang phục hồi và sẽ tạo đỉnh tăng trưởng vào năm 2025-2026.

Một đoạn tuyến metro tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Một đoạn tuyến metro tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi báo cáo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ. Trong đó, TPHCM sẽ tập trung quy hoạch kinh tế - xã hội, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, tạo không gian phát triển mới, nhất là không gian ngầm, không gian sông, biển.

Thành phố sẽ tái cấu trúc kinh tế với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo…

Thành phố cũng sẽ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu theo hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ sáng tạo; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông, hướng biển.

TPHCM cũng tập trung phát triển văn hóa trở thành trụ cột quan trọng của phát triển bền vững; triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực để xử lý những dự án đang trì trệ nhiều năm như: Dự án chống ngập, dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án Safari (Củ Chi), khu Bình Quới - Thanh Đa.

TPHCM sẽ chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Trong ảnh là Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

TPHCM sẽ chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Trong ảnh là Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài ra, TPHCM tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với các đô thị vệ tinh, gồm: Thủ Đức đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông; huyện Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; đô thị Tây Nam (huyện Bình Chánh); đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.