Đặt mục tiêu tăng trưởng 10%
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Sở Tài chính TPHCM mới đây, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm qua lần đầu tiên thu ngân sách của thành phố vượt mức trên 508.000 tỷ đồng, đạt 105,32% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ.
Đây là mức thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay của thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 7,17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Nhằm duy trì đà phát triển, UBND TPHCM đã chỉ thị về tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Theo đó, UBND TPHCM nhấn mạnh 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố sẽ tập trung triển khai các quy hoạch dài hạn như Quy hoạch chung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Các đề án, chương trình, dự án trọng tâm như Trung tâm Tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các tuyến vành đai 2, 3, 4, và chương trình phát triển nhà ở, chống ngập đều được ưu tiên thực hiện.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải cách quy trình xử lý công việc; và đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc huy động nguồn lực đầu tư cũng được tập trung với mục tiêu đạt tối thiểu 600.000 tỷ đồng trong năm 2025, trong đó chú trọng xã hội hóa nguồn vốn.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Quyết định 1711/QĐ-TTg quy hoạch TPHCM trở thành đô thị toàn cầu và trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD.
Tỷ trọng khu vực dịch vụ dự kiến chiếm trên 60% GRDP, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% và khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%. Đặc biệt, tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.
Trong nông nghiệp, TPHCM sẽ tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nam và Nam thành phố. Ngành thủy sản được định hướng phát triển tại Cần Giờ nhằm phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá.
Ngành công nghiệp tập trung vào sản xuất vi mạch, điện tử, năng lượng tái tạo, hóa chất chọn lọc và tự động hóa. Các ngành dệt may, giày da, chế biến thực phẩm được tái cấu trúc để nâng cao giá trị gia tăng.
Thành phố cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mại điện tử và logistics hiện đại của khu vực Đông Nam Bộ. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa sẽ vượt 90% với 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất 50% huyện đạt chuẩn nông thôn mới thông minh. Mức chuẩn nghèo của thành phố sẽ được nâng cao gấp đôi mức quốc gia, với mục tiêu xóa bỏ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia vào cuối thập kỷ.
Đầu tư hạ tầng, khơi thông bất động sản
Để đạt mức tăng trưởng trên hai con số, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân đối ngân sách. Theo đó, năm 2025 thành phố đặt mục tiêu thu ngân sách 520.089 tỷ đồng, tăng 7,71% so với năm 2024; chi ngân sách 172.812 tỷ đồng, tăng 15,23%.
Ông Dũng nhận định, đây là nhiệm vụ chi rất cao so với năm trước, đòi hỏi thành phố tập trung thúc đẩy các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã hoàn thành. Thành phố cũng cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm để kích cầu, qua đó phát triển nguồn thu bền vững.
Tại tọa đàm về giải pháp để TPHCM tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030 tổ chức chiều 2/1, TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, ngành dịch vụ phải bứt tốc rất cao thì TPHCM mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng này.
Hiện, ngành dịch vụ chiếm khoảng 65% cơ cấu kinh tế TPHCM, song tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt khoảng 7% trong năm qua. Trong khi đó, lĩnh vực này và xuất khẩu được dự báo khó lường trong năm 2025 trước dấu hiệu giảm tốc xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc những tháng cuối năm. “Khả năng tăng trưởng xuất khẩu 2025 sẽ thấp hơn năm ngoái, không nên đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực này”, ông Thành nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, mục tiêu tăng trưởng hai con số của TPHCM là thách thức lớn do cơ cấu kinh tế TPHCM vẫn phát triển theo chiều rộng, tỷ trọng ngành giá trị gia tăng cao còn ít và phụ thuộc vào tăng trưởng của nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, mục tiêu này không hoàn toàn bất khả thi. Trước mắt, thành phố cần tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại tại các dự án bất động sản để đưa vào triển khai.
“TPHCM cần tháo gỡ quyết liệt để lĩnh vực này có thể đóng góp ngay trong năm 2025. Đồng thời, thành phố cũng cần quan tâm thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch, hoạt động lễ hội, showbiz, qua đó tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030”, ông Đức Anh nói.
Ngoài ra, ông Đức Anh cũng đề xuất thành phố áp dụng sandbox (Kỹ thuật ngăn chặn các phần mềm hoặc ứng dụng độc hại xâm nhập vào hệ thống, từ đó đảm bảo an toàn cho thiết bị và ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân) trong lĩnh vực công nghệ cao, đường sắt đô thị và công trình ngầm. Đồng thời, kéo dài thị thực với các quốc gia có lượng khách đến TPHCM lớn và chi tiêu cao để thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng, trong năm 2025 TPHCM có thể sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn từ sự tác động của thị trường quốc tế. Do vậy, thành phố phải tận dụng các lợi thế để tăng tốc từ quý I và quý II để bù đắp cho quý III và quý IV có thể bị ảnh hưởng từ các chính sách thương mại của Mỹ. Theo đó, TPHCM cần xây dựng kịch bản tăng trưởng, xác định tăng từ thành phần nào và tăng từ đâu.
“Muốn tăng trưởng hai con số thì hai quý đầu năm phải tăng hai con số”, ông Hoàng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, để TPHCM tăng trưởng kinh tế trên 10% thì phải khơi thông cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản. “Nếu không dẹp các vướng mắc về bất động sản thì dòng vốn về đầu tư công và đầu tư tư nhân không có lối ra. Thị trường bất động sản phát triển sẽ thúc đẩy tất cả các ngành khác”, TS Tú Anh nói.