Kiến nghị TPHCM mở rộng quyền đầu tư để kiều bào tham gia 'sâu' hơn vào phát triển kinh tế

GD&TĐ -Kiều bào kiến nghị TPHCM mở rộng quyền đầu tư để họ tham gia nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế, hưởng quyền lợi gần như người dân trong nước.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM bắt tay với ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM bắt tay với ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)

Sáng nay (11/10), Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức tổ chức hội nghị Triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030".

TPHCM hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM cho biết, kết quả thu hút kiều hối năm 2023 tại TPHCM rất ấn tượng, đạt khoảng 9,46 tỷ USD.

Riêng 9 tháng đầu năm 2024, qua số liệu của các tổ chức, công ty kiều hối tại TPHCM thì lượng kiều hối về Thành phố đạt 5,485 tỷ USD, tăng 10,4% cùng kỳ. Trong đó, 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về.

601a0490-1195.jpg
Toàn cảnh hội nghị Triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030"
601a0482-1968.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM

Theo ông Lệnh, ngành ngân hàng TPHCM vẫn đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối, làm tốt công tác tư vấn truyền thông để người thụ hưởng kiều hối có nhiều sự lựa chọn như: Chi tiêu phục vụ đời sống; đưa vào sản xuất - kinh doanh; gửi tiết kiệm hay đầu tư trái phiếu…

“Dù lượng kiều hối trong quý III có giảm so với quý II, nhưng với tốc độ và cơ cấu này thì TPHCM hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng kiều hối 10%/năm như đề án định hướng”, ông Lệnh cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, năm 2023, kiều hối đổ về Việt Nam là 16 tỷ USD, trong đó 9 tỷ USD là đến TPHCM. Do đó, TPHCM có thể là trung tâm nhận kiều hối lớn nhất nước.

Hiện tại, TPHCM đang có đề án để huy động kiều hối trên thế giới, để phục vụ cho dự án phát triển kinh tế riêng tại TPHCM và nói chung trên cả nước.

"Thành phố có thể phát hành trái phiếu cho kiều bào trên thế giới. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, nếu Thành phố muốn phát hành trái phiếu phải xem xét các quy định về phát hành trái phiếu, chứng khoán trong nước cũng như quy định tại các nước sở tại"- ông Hiếu đề xuất.

Chuyên gia tài chính này cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng của việc phát hành trái phiếu là làm cho kiều bào hiểu được khả năng trả nợ của Thành phố.

Ông Hiếu đánh giá, Thành phố phát hành trái phiếu là điều tốt, nhưng để kiều bào hiểu được khả năng trả nợ trái phiếu 5 năm, 10 năm, 20 năm cần cho kiều bào thấy được các ưu điểm.

Thứ nhất, TPHCM phải có năng lực về thu thuế và minh bạch sổ sách về thuế và những vấn đề tài chính cho kiều bào, thông qua lãnh sự quán tại nước ngoài. Khi kiều bào hiểu được tình hình tài chính và khả năng trả nợ của Thành phố thì họ sẽ mua trái phiếu.

Tiếp theo đó, Thành phố phát hành trái phiếu phải có lãi suất cao hơn Trái phiếu Chính phủ, lãi suất từ 4-5%/năm, hoặc có thể có thêm chế độ ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư mua trái phiếu Thành phố. Đặc biệt, sổ sách của Thành phố phải hết sức minh bạch và được kiểm toán bởi những công ty uy tín trên thế giới. Nếu có được sự minh bạch đó, kiều bào sẽ tin tưởng và mua trái phiếu.

Nhiều giải pháp để "hút" kiều hối

TS Lê Thị Thanh Nhàn - Giảng viên Đại học Quốc gia Úc, đề xuất TPHCM cần khuyến khích Việt kiều đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội, kết nối kiều bào với các cơ hội kinh doanh trong nước... để phát huy hơn nữa nguồn lực kiều hối.

Cụ thể, theo bà Nhàn, TPHCM có thể phát hành trái phiếu thời hạn 5 -10 năm dành riêng cho từng dự án cụ thể, gắn liền với đơn vị trực tiếp huy động vốn và trả nợ. Chính sách ưu đãi là trong năm đầu tiên có thể miễn hoặc ưu đãi thuế để thu hút kiều bào tham gia đầu tư từ xa. Kết hợp với các ngân hàng cung cấp lãi suất cho kiều hối được lưu giữ trong tài khoản từ 1 - 6 tháng, nhằm thúc đẩy việc sử dụng kiều hối vào các hoạt động sản xuất.

601a0615-2568.jpg
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, chuyên gia này kiến nghị TPHCM cần mở rộng quyền đầu tư để kiều bào tham gia nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế như cho phép kiều bào hưởng quyền lợi gần như người dân trong nước, bao gồm đầu tư bất động sản và các dự án kinh doanh; giảm thuế đất trong thời gian đầu tư, đặc biệt là các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng hoặc phát triển đô thị thông minh…

Đại biện đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cũng cho biết, số lượng kiều bào mong muốn đóng góp cho đất nước ngày càng tăng. Hiện số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản có hơn 600.000 người, trong đó chủ yếu là người trẻ. Từ thực tế này, chính quyền TPHCM có thể tích cực phối hợp để thông tin đầy đủ, kịp thời lợi ích của chính sách thu hút kiều hối tới Việt kiều.

"TPHCM cần phổ biến rộng rãi các biện pháp khuyến khích để bà con thấy được lợi ích cao nhất từ kiều hối là hình thức đầu tư, kinh doanh hơn là tiết kiệm, sử dụng vào mục đích cá nhân" - ông Minh nói.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nhấn mạnh, Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030 là đề án chính sách hoàn toàn mới của TPHCM, lần đầu tiên được triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công đề án cần sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố, bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và bà con người Việt Nam ở các nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.