Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Kinh tế số hóa: thế giới không chờ chúng ta”, nằm trong Diễn đàn kinh tế số hóa quốc tế do Diễn đàn kinh tế tư nhân phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Sự biến đổi thế giới của CMCN 4.0
GS Nguyễn Đức Khương, Đại học IPAG (Pháp) kiêm thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ cho biết, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông (Facebook, Tencent), giải trí (Netflix, Pinterest), giáo dục đào tạo (Coursera, KHAN Academy) đến giao thông vận tải (Uber, Didi Chungxing), khách sạn (Airbnb), phân phối, bán buôn và bán lẻ (Amazon, Alibaba)...
Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.
Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống. Điển hình nhất là cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab, Uber khiến các nhà quản lý Việt Nam đau đầu. Bên cạnh đó, FB thì báo chí bị đe doạ không ai quảng cáo trên báo nữa; Viber, Zalo thì nhà mạng bị đe doạ; Amazon, alibaba thì bán lẻ bị đe dọa. YouTube thì TV bị đe dọa.
Ông Khương khuyến cáo, trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần lời giải thỏa đáng cho việc tiếp cận của Việt Nam
Các vấn đề nêu trên không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng doanh nghiệp hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số cấp độ quốc gia.
Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ - Quỹ Vina Capital cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam đang có nguy cơ đi tụt lùi dù kinh tế số trên thế giới đang phát triển, DNNVV Việt Nam đang cần sự giúp đỡ triệt để và khẩn trương để bắt kịp với nền kinh tế số.
Theo đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ gia nhập vào nền kinh tế số để không bị tụt lùi, ai ứng dụng sẽ tồn tại phát triển. Tuy nhiên, rất cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh trên thị trường nội địa và sau đó phát triển ra nước ngoài.
Thống kê cho thấy Việt Nam đứng đầu 6 nước với số công việc đang tuyển dụng liên quan lập trình điện thoại di động, cao hơn cả Singapore và Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Điều này cho thấy Việt Nam có kinh tế số đang phát triển, nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là lập trình.
Cho nên trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ tăng lên, lập trình cho công ty start up, công ty Việt Nam gia công cho nước ngoài, và các công ty trong nước như FPT, Viettel. Hai lĩnh vực là start up và công ty gia công phần mềm cho nước ngoài sẽ thu hút nhiều nhân tài nhất, các công ty lớn trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam.
Để có động lực thực sự cần chính sách hợp tác giữa các công ty trong nước bị ảnh hưởng nhiều của công nghệ như ngân hàng, tài chính, các công ty công nghệ cao phát triển nhanh, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, Chính phủ cần có một số chính sách giảm thuế, đầu tư giúp các doanh nghiệp trong nước thống lĩnh chiếm thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể về kinh tế số, xây dựng khuôn khổ cho vấn đề này một cách tổng thể, phù hợp với tầm nhìn xa, sâu rộng.