Kinh tế 9 tháng đầu năm qua những con số

Kinh tế 9 tháng đầu năm qua những con số

Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng của tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2008.

Tính chung 9 tháng đầu năm ngành công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng đi lên với mức tăng ước đạt 506 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2008 (3 tháng đầu năm tăng 2,1%; 4 tháng tăng 3,3%; 5 tháng tăng 4%; 6 tháng tăng 4,8%; 7 tháng tăng 5,1%; 8 tháng tăng 5,1%) thể hiện việc phục hồi của ngành công nghiệp trước tác động của khủng hoảng toàn cầu.

Về loại hình kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước có mức tăng trưởng thấp (3,1%), trong khi khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng khá so với toàn ngành (khu vực ngoài nhà nước tăng 8,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7%).

Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của thiên tai. Bên cạnh đó, giá cả nhiều nông sản giảm mạnh từ cuối năm 2008, sản xuất không có hoặc lãi ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn,…

Tính từ đầu năm, nông sản gặp nhiều khó khăn do giá cả sụt giảm
Tính từ đầu năm, nông sản gặp nhiều khó khăn do giá cả sụt giảm

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh đến ngành nông nghiệp. Giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới đã giảm mạnh (giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm từ 20 -50%). Kim ngạch xuất khẩu lâm sản, thủy sản gặp nhiều khó khăn, đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước gay gắt hơn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển tương đối ổn định.

Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đầu năm 2009 ước đạt 150,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 106,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%, lâm nghiệp đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%, thủy sản đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm sút nhưng hoạt động thương mại vẫn đạt những kết quả khả quan. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 ước đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, đưa mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng đầu năm lên 845,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2008.

Hoạt động du lịch: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 294 nghìn lượt khách, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa lượng khách quốc tế trong 9 tháng lên 2,77 triệu lượt khách, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2008.

Xuất khẩu trong tháng 9/2009 ước đạt 4,68% tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2009 ước đạt 41,73 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, xuất sang các thị trường chủ yếu đều giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhập khẩu trong tháng 9 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 8% so với tháng 8 năm 2009. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2009 đạt 48,28 tỷ USD, giảm 52,2% so với cùng kỳ năm 2008.

Nhập siêu tháng 9 đạt khoảng 1,52 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tổng nhập siêu lên tới 6,54 tỷ USD, chiếm 15,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng thu chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 9 ước đạt 15,1 nghìn tỷ đồng; Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 9, ước đạt 274,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,4% dự toán cả năm, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Chi ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 9 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước trong kỳ đã đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ ngân sách, giải ngân cho các dự án đầu tư (bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ), đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước, tập trung xử lý các nhu cầu phát sinh góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2009 tăng 0,62% so với tháng trước, nếu so với tháng 12/2008 tăng 4,11%; so với cùng kỳ năm trước tăng 2,42%. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay đây là tháng có chỉ số tăng cao thứ hai sau mức tăng 1,17% của tháng 2/2009. Chỉ số CPI tháng 9 tăng là do việc tăng giá xăng dầu ngày 30/8, mặt khác giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng.

Chỉ số giá bình quân 9 tháng năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,64%.

Vốn tín dụng đầu tư đến hết tháng 9 năm 2009, nguồn vốn tín dụng đầu tư ước đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4% kế hoạch năm. Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch năm, dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm.

Tính từ đầu năm đến ngày 21/9/2009, tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 3.326 triệu USD.

Mức giải ngân ODA 9 tháng đầu năm 2009 ước đạt 1.715 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.536 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 179 triệu USD, bằng 90% kế hoạch giải ngân của cả năm 2009.

9 tháng đầu năm 2009, cả nước có 583 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 7,67 tỷ USD, giảm 57,3% về số dự án và giảm 85,7% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2008.

9 tháng đầu năm 2009, tổng số vốn thực hiện đạt 7,2 tỷ USD, giảm 11,1 % so với cùng kỳ năm 2008.

9 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm giảm sút khá lớn, chỉ đạt 313 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính và sự suy thoái kinh tế thế giới, giá xuất khẩu giảm mạnh cùng với sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh,… song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2009 tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực: sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn và phát triển tương đối ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp tăng không cao, nhưng tăng liên tục trong 8 tháng; lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến; thu ngân sách Nhà nước đạt tốc độ tăng khá; chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý như: giá cả có xu hướng tăng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh./.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ