Kinh nghiệm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

Kinh nghiệm cho thấy ở trường nào mà Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo, cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương và cha mẹ học sinh... có nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì hoạt động xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt hiệu quả rõ rệt hơn.

Kinh nghiệm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

 Làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng trường chuẩn quốc gia 

Như ta biết “Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”; chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không những là của những người làm công tác giáo dục mà nó còn là của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội.... 

Thế nhưng, nhiều hiệu trưởng chỉ mới dừng lại công tác tuyên truyền này trong nhà trường, thiếu sự tuyên truyền đến các tổ chức khác và nhân dân. 

Điều đó, dễ dẫn đến tính đồng thuận không cao giữa nhà trường và xã hội khi triển khai các biện pháp thực hiện chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Do vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng trường chuẩn trong xã hội, thông qua các hoạt động như: phát biểu tham luận trong Đại hội Đảng bộ, Đại hội giáo dục của địa phương; phát biểu trong các lần họp Hội đồng Nhân dân, họp Đảng bộ, họp sơ tổng kết của UBND xã, phường, thị trấn, họp Ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn thể cha mẹ học sinh đầu năm và cuối năm...

Kinh nghiệm cho thấy, trong tham luận hay phát biểu cần hạn chế kể lể dài dòng về công việc đã làm hay báo cáo thành tích suông, mà việc cần chính là đi vào các công việc cụ thể mà nhà trường cần địa phương quan tâm giải quyết (cần chú trọng giải thích vì sao phải làm như vậy? 

Làm thế có lợi gì cho phong trào giáo dục địa phương? Hiện nay trường như thế nào? cần phải phấn đấu và đầu tư ra sao? đề xuất thực hiện (nếu có) về những vấn đề đã nêu). Có thế thì người nghe dễ hiểu hơn và đồng thuận cao hơn trong thực hiện.

Làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo

Trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiệu trưởng là thành viên trong Hội đồng giáo dục và Ban xây dựng trường chuẩn quốc gia của địa phương, là cán bộ quản lí trực thuộc Phòng GD&ĐT; vì là người trực tiếp với thực tế nhà trường, nên trong lĩnh vực giáo dục về xây dựng trường chuẩn quốc gia, không ai hiểu và nắm rõ nội dung xây dựng trường chuẩn của đơn vị mình hơn người hiệu trưởng. 

Chính vì vậy, hiệu trưởng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, phải luôn xem mình như là một cán bộ giúp việc của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo; phải có ý kiến, tham mưu, đề xuất phương án để lãnh đạo địa phương và Phòng Giáo dục và Đào taọ quyết định các vấn đề về xây dựng trường chuẩn ngoài khả năng giải quyết của mình.

Ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương, hiệu trưởng cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất: Xây dựng lớp học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi,...

Ngoài ra, để đảm bảo tỉ lệ 2 giáo viên/lớp bán trú, đầy đủ các nhân viên theo quy định, hiệu trưởng qua mỗi lần duyệt kế hoạch phát triển trường lớp chú trọng tham mưu về tiêu chí số lượng cán bộ, nhân viên và tỷ lệ giáo viên hiện có của trường để lãnh đạo phòng xem xét chủ động điều động con người. 

Tóm lại, trong triển khai xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nhiệm vụ tham mưu của hiệu trưởng có vai trò quan trọng. Việc tham mưu càng tích cực sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương và ngành có sự quan tâm hơn, chỉ đạo càng sát sao hơn và trường có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Cần hiểu rõ chăm sóc trẻ ở lứa tuổi mầm non là một giai đoạn có những đặc điểm tâm sinh lý riêng rất phức tạp. Trách nhiệm ở trường mầm non có nhiệm vụ phối hợp cùng gia đình chăm sóc giáo dục trẻ làm cho trẻ tăng trưởng thể lực đi đôi với phát triển trí tuệ.

Về công tác nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng nhà trường cần xây dựng thực đơn, khẩu  phần ăn hợp lý, thay đổi thực phẩm theo hàng ngày, thay đổi cách chế biến theo tuần, thay đổi thực đơn theo mùa, cân đối cung cấp đủ lượng dinh dưỡng của 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. 

Lựa chọn những loại thực phẩm có sẵn ở địa phương như: cua, trứng, hến, đậu, cá … vừa rẻ tiền vừa giàu dinh dưỡng. Tuyên truyền cho phụ huynh biết cách phối hợp chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên kiểm tra ngăn chặn kịp thời những biểu hiện, việc làm chưa tốt của giáo viên, nhân viên.

Yếu tố thứ hai là công tác vệ sinh: bao gồm vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng lớp, nhà bếp, đặc biệt là vệ sinh cá nhân. Bằng cách tổ chức thực hành chuyên đề vệ sinh cho cô và trẻ, tham gia tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế. 

Thường xuyên kiểm tra đánh giá công tác vệ sinh của trẻ, nhóm lớp, nhà bếp để ngăn chặn được dịch bệnh, ngộ độc xảy ra trong nhà trường ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Ngoài ra nhà trường cần quản lý tiền ăn của trẻ qua hồ sơ quản lý ăn bán trú, quản lý thực phẩm khẩu phần ăn có sự phối hợp của nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và trưởng các đoàn thể kiểm tra giám sát bất kỳ không báo trước.

Về nâng cao chất lượng giáo dục: Trường học là một tổ chức học tập không chỉ đối với học sinh mà cả đối với người quản lý và giáo viên. 

Để nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn nhà trường cần thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua: thi giáo viên dạy giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, thi trang trí lớp cũng như các hội thi có sự kết hợp cả 3 đối tượng cho cô, trẻ và cùng các phụ huynh.

Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là nhân tố quyết định quan trọng đến chất lượng chăm sóc,giáo dục trẻ trong nhà trường. Vì vậy việc lựa chọn, bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng là hết sức cần thiết. Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giáo viên của trường. 

Tạo mọi điều kiện và các hình thức hoạt động để giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn chuyên ngành GDMN. Có kế hoạch bồi dưỡng để tăng số lượng giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo. 

Để việc tự học phát triển rộng rãi trong nhà trường, bản thân hiệu trưởng là người gương mẫu thực hiện trước khuyến khích mọi người tham gia.

Phát huy năng lực của mọi giáo viên bằng cách giao nhiệm vụ tạo cơ hội cho họ thể hiện, biết động viên khích lệ kịp thời (nêu gương, khen thưởng) để họ sẵn sàng bộc lộ hết khả năng của từng cá nhân vào công việc của tập thể. 

Ngược lại cũng cần giúp đỡ bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho những giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn như giao nhiệm vụ đồng thời phân công giáo viên có năng lực chuyên môn kèm cặp giúp đỡ.

Cần xác định đời sống tinh thần, vật chất của giáo viên được ổn định thì cá nhân mỗi người mới an tâm công tác. Vì thế Ban giám hiệu, chủ tịch Công đoàn của trường cần luôn dành thời gian quan tâm nắm bắt điều kiện hoàn cảnh từng cá nhân để phân công bố trí công việc phù hợp (giáo viên con nhỏ phân công lớp với giáo viên độc thân có sức khoẻ, năng lực) để giúp đỡ hỗ trợ nhau, khó khăn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thường quan tâm giải quyết các chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phép và các chế độ khác đầy đủ kịp thời. Đặc biệt thường xuyên động viên, khen thưởng những nhân tố tích cực cũng như tổ chức thăm hỏi động viên đúng lúc những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn từ đó đã phát huy sức mạnh của khối đoàn kết tập thể.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất 

Cần sự kiên trì, tận tâm trong công tác tham mưu, luôn tận dụng cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, kêu gọi đựơc sự đồng tình ủng hộ của các ban ngành như:

Làm kế hoạch phát triển từng năm học chính xác số liệu và lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Có kế hoạch xây dựng tổng thể cơ sở vật chất, trang thiết bị như: Quy hoạch về diện tích đất đai, địa điểm xây dựng, thời gian hoàn thành việc xây dựng và mua sắm trang thiết bị.

Quy hoạch về tổng số các phòng học: Số phòng học, số phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp ăn,….phù hợp với số trẻ của trường theo quy định của Điều lệ trường mầm non.

Lưu ý: Nếu xây dựng trường mới phải xây dựng hiện đại, đảm bảo tính sử dụng bền vững, lâu dài, tránh lạc hậu (các phòng học phải đảm bảo diện tích, cửa sổ vừa tầm với trẻ để có đủ ánh sáng cho trẻ hoạt động. 

Có hệ  thống điện đầy đủ và an toàn. Ngoài các phòng học đủ cho trẻ phải xây dựng các phòng chức năng như: Phòng nghệ thuật, phòng vi tính, phòng y tế, hành chính quản trị, bếp một chiều,… tất cả phải đủ diện tích ít nhất đạt mức tối thiểu theo quy định của Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.)

Có kế hoạch quy hoạch sân trường: Sân tập thể dục, khu vui chơi giao thông, vườn cây của bé, khu vui chơi ngoài trời, thảm cỏ…Tất cả các nội dung trên hiệu trưởng phải có kế hoạch cụ thể, tổng thê hài hòa và phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng lâu dài, không lạc hậu. 

Kế hoạch này tuyệt đối không được mang tính chất tạm bợ mà phải có ý tưởng, có kế hoạch cho tương lai và phù hợp với đặc điểm, điều kiện của trường.

Bên cạnh đó việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cũng góp phần không nhỏ đảm bảo tốt các hoạt động ở trường mầm non. Khi có kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, điều đầu tiên phải quan tâm đó là chất lượng (phải đảm bảo an toàn cho trẻ, bền, đẹp, có giá trị sử dụng lâu dài).

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục


Như Bác Hồ đã nói:
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Vậy xuất phát từ đâu mà công việc càng khó và khó mấy mà có toàn thể nhân dân cùng lo lắng, cùng chung sức thì công việc cũng hoàn thành. Đó chính là sự “đồng tâm, đồng lòng” là sự tin tưởng vào chính quyền địa phương, vào nhà trường. 

Nhận thức được xã hội hoá giáo dục có tầm quan trọng thiết thực trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Muốn nhà trường phát triển cần có sự đóng góp, tác động từ nhiều phía, đó là nhà trường, gia đình, và xã hội hay nói cách khác là lôi kéo gia đình và xã hội tham gia góp phần vào việc nuôi dạy các cháu ngày một tốt hơn.

Đối với gia đình: Nhà trường phân công cán bộ giáo viên phối hợp cùng trưởng thôn, bản đến từng hộ gia đình, điều tra trẻ trong độ tuổi kết hợp tuyên truyền vận động gia đình cho trẻ đến trường. 

Vào năm học trong các cuộc họp phụ huynh nhà trường và giáo viên tổ chức tuyên truyền giúp cha mẹ hiểu được những kiến thức sơ đẳng để phối hợp cùng nhà trường chăm sóc giáo dục cháu. 

Cũng thông qua hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh, từng năm bầu ra ban ban đại diện cha mẹ học sinh nhiệt tình có năng lực vận động, tuyên truyền những thông tin cần thiết của nhà trường đến từng gia đình, đồng thời kêu gọi vận động phụ huynh đóng góp công sức và vật chất để hoàn thành kế hoạch xây dựng, phát triển nhà trường.

Đối với xã hội cụ thể là chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn. 

Cần xác định công tác tham mưu thành công không phải chỉ cầm tờ trình đến cơ quan trình bày lý do, điều kiện cần là được, mà phải thường xuyên tìm các cơ hội nhân các ngày lễ, ngày hội của địa phương hay các đoàn thể, hiệu trưởng cùng trưởng ban các đoàn thể đến tham dự, thăm hỏi chúc mừng có thể đề xuất cho trường tham gia vào một số công việc giao lưu văn nghệ, thể thao… 

Bên cạnh đó nhà trường cần tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhiều đơn vị, cơ quan kết nghĩa để từng bước giải quyết các khó khăn cho nhà trường.

Xã hội hóa giáo dục không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là sự nghiệp của toàn dân, của mọi tổ chức kinh tế, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Xã hội hóa giáo dục không là một giải pháp ngắn hạn trong lúc ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp mà là một giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược.

 Xã hội hóa giáo dục nhằm đến thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nhằm làm cho không chỉ thế hệ trẻ mà là mọi người dân được hưởng các quyền lợi mà giáo dục đem đến; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội phát huy cao nhất chức năng và trách nhiệm của mình đóng góp cho cho sự nghiệp giáo dục. 
 
Hy vọng rằng một số kinh nghiệm này sẽ các đồng nghiệp xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt hiệu quả. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp.

Theo Sở GD&ĐT Điện Biên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ