Kinh nghiệm thích ứng với chương trình GDPT 2018 từ một trường tư thục

GD&TĐ - Phát triển triết lý giáo dục thực nghiệm, đổi mới tổ chức và phương pháp dạy học, tích hợp mô hình giáo dục tiên tiến để hình thành bản sắc riêng.

Học sinh thích thú tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Học sinh thích thú tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Đi học là hạnh phúc

Ra mắt năm 2016, Hệ thống giáo dục Thực nghiệm Victory đã phát triển triết lý giáo dục Thực nghiệm, đổi mới căn bản về tổ chức và phương pháp dạy học; tích hợp mô hình giáo dục tiên tiến để hình thành bản sắc riêng, đó là: Đi học là hạnh phúc, đến trường là niềm vui. Nhờ đó, nhà trường đã thích ứng với chương trình GDPT 2018 và đạt được thành tích đáng khích lệ.

Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành - Cố vấn cấp cao Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory chia sẻ: Với triết lý giáo dục riêng, Victory đã điều hành dạy học một chương trình nhiều bộ sách từ năm 2016. Vì vậy, giáo viên không lúng túng trong việc chọn sách, dùng sách, không ngỡ ngàng với dạy học trải nghiệm, thực hành của Chương trình GDPT 2018.

Cùng với đó, các khái niệm của chương trình GDPT 2018 như: Tổ chức dạy học liên môn, dạy trải nghiệm và thực hành, dạy học theo dự án, dạy học là thầy truyền cảm hứng để học sinh thích thầy, thích học; thầy hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trước tự khám phá, trải nghiệm thực tế, nghiên cứu sách và tham khảo các tư liệu khác đã được nhà trường thực hiện từ lâu.

Làm rõ hơn về nội dung này, ThS. Nguyễn Thị Quế - Hiệu trường Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory cho biết: Trên lớp là quá trình chia sẻ, trao đổi nhóm và trình bày trước lớp. Như vậy, kiến thức có được chủ yếu do học sinh tự chuẩn bị trước và trao đổi với bạn. Theo cách học này, học sinh phát triển năng lực tự học, đồng thời khẳng định vai trò của kinh nghiệm và trải nghiệm trong giáo dục Thực nghiệm.

471454019-1000217908798785-8296834700437945501-n.jpg
Học sinh Victory tham gia chương trình hoạt động trải nghiệm.

Tổ chức hoạt động Học là Thầy giao việc - Học sinh làm việc. Tiến trình học bắt đầu từ hoạt động Khởi động, truyền cảm hứng - Quan sát, trải nghiệm - Hình thành kiến thức - Thực hành, luyện tập - Ứng dụng và mở rộng kiến thức. Trong các buổi chào cờ, học sinh thực hiện toàn bộ nhận xét, đánh giá hoạt động trong tuần bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Vì thế, khả năng tổng hợp, giao tiếp, diễn đạt tiếng Việt và tiếng Anh của học sinh có tiến bộ rõ rệt.

Hình thành và phát triển năng lực cho học sinh là mục tiêu xuyên suốt của Victory. Mỗi học sinh có năng lực và sở thích khác nhau, cần tạo cơ hội bình đẳng để mọi học sinh được thể hiện khả năng của mình. Các Dự án học tập huy động hết những học sinh có năng lực thực tiễn, năng lực sáng tạo bộc lộ tài năng của mình.

Cô Nguyễn Lan Anh - giáo viên chủ nhiệm 5A1 chia sẻ: Từ các dự án Hướng về cội nguồn; Lời yêu thương tặng mẹ; Tri ân thầy cô, Tìm hiểu ẩm thực ba miền... đã xuất hiện những tài năng đã làm ra những sản phẩm độc đáo, bất ngờ với hàng trăm ấn phẩm có chất lượng cả về nội dung và hình thức trình bày. Các dự án tạo cho các em có cơ hội thể hiện tài năng, được tỏa sáng và xứng đáng được ghi nhận, được tôn vinh.

470199744-990715969748979-6725242252631953336-n.jpg
Học sinh cảm nhận hạnh phúc trong mỗi ngày đến trường.

Thành công trong dạy học liên môn

Dạy học liên môn là điểm mạnh của Victory. Học sinh cần sự liên kết rộng nhiều môn hơn là nghiên cứu sâu về một môn học. Giáo dục STEM là dạy học liên môn về khoa học tự nhiên, giáo dục Bản sắc Việt là dạy học liên môn về khoa học xã hội. Dạy học liên môn bắt đầu từ Tiểu học được phát triển và hoàn thiện ở THCS.

Theo cách nhìn liên môn các yếu tố khoa học tự nhiên có quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong thế giới tự nhiên. Tương tự, Địa lý chi phối Kinh tế, Lịch sử để hình thành xã hội và từ đó sản sinh ra Văn học, Nghệ thuật và kết tinh trong các bài học về Khoa học xã hội. Dạy học liên môn gắn kết các môn học, gắn kiến thức với cuộc sống, làm cho bài học sinh động, kích thích tò mò, ham hiểu biết và phát triển tư duy biện chứng ở học sinh.

471333307-998329478987628-8150743253107298748-n.jpg
Học sinh được tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích.

Mỗi năm ở Victory có hàng trăm dự án được học sinh thực hiện. Mỗi dự án ở mầm non là tất cả tâm huyết, trí tuệ, tình yêu của các cô dành cho học trò. Còn học sinh tiểu học tham gia các dự án để gắn kết kiến thức với thực tế, học đi đôi với hành bằng những hành động thiết thực như bảo vệ môi trường, phát triển kĩ năng của thế kỉ 21, sống khỏe mạnh, sống an toàn.

Ở khối THCS, khởi đầu là những dự án ứng dụng của Toán học, Vật lí học, Sinh học vào đời sống. Sau đó là những cuộc hành hương về đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Chu Văn An, Hà Nội - Điện Biên phủ trên không,... giúp học sinh phục dựng truyền thống văn hóa, lòng yêu nước và hiếu học của cha ông.

z6177382681530-708e40423e8ed768e7574989d902abb8.jpg
Niềm vui của học sinh khi được học trong môi trường hạnh phúc.

Cô Lương Nghiêm Chỉnh, giáo viên môn Toán cho biết: Năm học 2023-2024 đã có hơn 110 dự án đăng kí, đã quy tụ tất cả học sinh tham gia trong chương trình “INOPROJECT HUP”. Học sinh biết lựa chọn vấn đề từ cuộc sống, tìm giải pháp thực hiện, tính toán sử dụng nguồn lực hiệu quả và làm ra các sản phẩm. Học sinh nghĩ được, nói được, làm được, trình bày mạch lạc và tự tin.

Điểm thành công nhất của chương trình là sự đồng hành của cha mẹ, là người đã định hướng, góp ý để hoàn thiện ý tưởng dự án, là cố vấn về công nghệ, là kĩ thuật viên và là “nhà tài trợ vàng” cho các dự án. Đồng hành cùng con, cha mẹ chứng kiến các con trưởng thành hơn cả sự mong đợi của mình. Thành công của chương trình đã thấp thoáng dáng dấp của những nhà “phát minh” khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Theo NGƯT Lê Tiến Thành, chất lượng giáo dục là chất lượng toàn diện con người, là những giá trị mà nhà trường đem lại cho học sinh. Đó là sức khỏe, phẩm chất, năng lực, kĩ năng sống và cuộc sống hạnh phúc. Tất cả học sinh đều bình đẳng, được tôn vinh nếu có tài năng ở bất cứ lĩnh vực nào. Điều này, góp phần cho giáo dục phát triển lành mạnh, để học sinh, nhà trường và cha mẹ học sinh không bị áp lực thi cử, áp lực điểm số và áp lực về thành tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ