Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Hồng Lam : “Ngôi trường xứ Nghệ - Thực hiện hiệu quả đào tạo Nghề kết hợp giảng dạy Văn hoá GDTX cấp THPT”

GD&TĐ - Nhiều học sinh trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An) đã có kết quả ấn tượng trong kỳ thi TN THPT các năm 2019, 2020, 2021. Kết quả này đã góp phần thay đổi quan niệm về học trường nghề hiện nay.

Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Hồng Lam
Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Hồng Lam

Vượt khó vươn lên

Từ năm 2009, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã thực hiện chương trình đào tạo trình độ Trung cấp kết hợp giảng dạy chương trình Văn hoá GDTX cấp THPT cho đối tượng học sinh phân luồng sau tốt nghiệp Trung học cơ sở. Trong thời gian 3,5 năm, học sinh hoàn thành hai chương trình sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp trình độ trung cấp chính quy do nhà trường tổ chức. Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể sử dụng kết quả đăng ký xét tuyển vào các trường đại học nếu có nguyện vọng.

Trong quá trình thực hiện đào tạo hai chương trình, bước đầu nhà trường đã gặp một số khó khăn nhất định như: Chủ trương phân luồng sau THCS hoàn toàn mới đối với phụ huynh, học sinh, nên công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đầu vào phần lớn là học sinh có trình độ học lực thấp; công tác xây dựng kế hoạch đào tạo chưa phù hợp với đối tượng học sinh…

Trước tình hình đó, nhà trường đã từng bước đánh giá chất lượng và kịp thời điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo một cách phù hợp: 

Giai đoạn đầu, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo là: 02 năm đầu học sinh học 7 môn văn hoá (1424 tiết) theo chương trình GDTX cấp THPT và học các môn chung của hệ trung cấp (540 tiết) gồm: Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục pháp luật, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và Chính trị; 1,5 năm tiếp theo học sinh học chương trình cơ sở ngành và chuyên ngành, đi thực tế, thực tập và thi tốt nghiệp Trung cấp (1095 tiết).

Riêng trong năm thứ 3, dành thời gian 1 tháng trước khi thi tốt nghiệp THPT để học sinh tự ôn và dự thi. Kết quả đào tạo hai chương trình đạt được trong giai đoạn này không được đồng đều nhau: Đối với chương trình nghề đạt kết quả theo yêu cầu đề ra tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 98%. Nhưng chất lượng đào tạo văn hoá còn có phần hạn chế, do chất lượng đầu vào thấp, các môn học văn hoá THPT học sinh phải tập trung học trong 02 năm đầu sau 01 năm ôn lại và thi tốt nghiệp… cho nên tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 65% đến 78%.

Tiết ôn tập của học sinh lớp 12 - Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam
Tiết ôn tập của học sinh lớp 12 - Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam

Giai đoạn thứ hai, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy bằng cách thực hiện song song hai chương trình với nhau trong suốt 03 năm: buổi sáng học văn hoá buổi chiều học nghề. Học hết năm thứ 3 học sinh ôn tập chương trình văn hoá và thi tốt nghiệp THPT, sau khi thi tốt nghiệp THPT học sinh đi thực tập sản xuất tại các Doanh nghiệp thời gian từ 4 đến 6 tháng và thi tốt nghiệp trung cấp.

Trong giai đoạn thứ hai này nhà trường đã thực hiện từ năm 2017 đến nay và đã đạt được những kết quả rất tích cực như: Giảm áp lực học văn hoá của học sinh; các môn học giữa văn hoá và học nghề được bổ trợ cho nhau; có đủ các điều kiện để đánh giá kết quả học tập hai chương trình theo từng môn học, từng kỳ học, năm học; từng bước hoàn thiện các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng làm việc độc lập và hình thành rõ nét về nghề nghiệp tương lai của người học; các quá trình nhận thức, tư duy của người học được tốt hơn. Đặc biệt thái độ đối với việc học tập cũng có những chuyển biến rõ rệt. Định hướng nghề nghiệp được thể hiện rõ và mang tính ổn định; có ý thức phấn đấu học tập các môn văn hoá…

Giờ học thực hành của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam
Giờ học thực hành của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam

Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Kết quả đào tạo ở giai đoạn thứ hai này nhà trường đã đạt được những mục tiêu đề ra cụ thể như: kết quả đào tạo nghề đạt 98% học sinh tốt nghiệp, có nhiều em đạt loại khá, giỏi; 70% đến 85% học sinh được nhà trường giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp, 15% đến 30% học sinh tự liên hệ công việc hoặc có thể học lên trình độ cao hơn. Mức thu nhập bình quân của học sinh sau khi ra trường giao động từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ tháng, tuỳ thuộc vào các ngành nghề khác nhau và được các doanh nghiệp tiếp nhận lao động đánh giá cao về trình độ tay nghề.

Kết quả đào tạo văn hoá đã đạt được những kết quả rất ấn tượng như: Kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nhận thức xã hội được nâng cao; khả năng tiếp thu kiến thức văn hoá được cải thiện và nâng cao theo từng năm học, sang năm học thứ 2 bắt đầu có sự thay đổi, đến năm thứ 3 phần lớn học sinh đạt trình độ văn hoá khá trở lên có em đạt loại giỏi. Kết quả thi tốt nghiệp hằng năm đạt 95% đến 98%, có em đạt loại khá giỏi; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 98%, số học sinh đạt từ 15 điểm trở lên đối với 3 môn xét tuyển đại học đạt 83%, trong số đó học sinh đạt trên 18 điểm đạt 56,4% và 31,68% học sinh đạt trên 20 điểm. Có 4 em đạt từ 25 điểm trở lên trong đó có em đạt 27 điểm. Kết quả thi các năm 2019, 2020 có nhiều em đạt điểm từ 25 đến 27 điểm, có em đạt 27,25 điểm theo các khối thi.

ThS. Phan Xuân Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Hồng Lam
ThS. Phan Xuân Dũng -  Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Hồng Lam

Từng bước khẳng định thương hiệu

Qua 12 năm thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS kết hợp giảng dạy chương trình văn hoá GDTX cấp THPT, trong đó có sự đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục được những khó khăn thách thức ban đầu. Đồng thời, có sự điều điều chỉnh về khối lượng kiến thức và điều chỉnh kế hoạch, tiến độ giảng dạy một cách hợp lý. Đến nay, có thể khẳng định: đây là một mô hình đào tạo tốt, phù hợp với chủ trương phân luồng trong giáo dục mà chính phủ, các Bộ, Ngành và các cấp chính quyền đang triển khai. Đáp ứng được nguyện vọng của người học và phụ huynh học sinh; hoàn thiện được trình độ nhận thức, trình độ tay nghề và có khả năng nâng cao kỹ năng lao động, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật và phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Hồng Lam : “Ngôi trường xứ Nghệ - Thực hiện hiệu quả đào tạo Nghề kết hợp giảng dạy Văn hoá GDTX cấp THPT” ảnh 4

Đây cũng chính là thành quả của việc thực hiện một Đề án đào tạo đã và đang thực hiện với toàn bộ tâm huyết, trách nhiệm của tập thể nhà trường. Và cũng chính kết quả học sinh đạt được trong những kỳ thi vừa qua, đã góp phần thay đổi quan niệm học tại các trường nghề hiện nay. Mặc dù hầu hết học sinh đăng ký vào học đều thuộc diện phân luồng và không đủ điều kiện vào học các trường THPT. Nhưng đến thời điểm này, các em có đủ điều kiện để tự quyết định nghề nghiệp và tương lai của mình: không chỉ đi làm việc ngay mà có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào học Đại học. Có những em sẽ đủ điều kiện có mặt ở các ngôi trường danh tiếng trong cả nước mà các em không hề nghĩ tới khi bước chân vào trường với tâm thế của một "học sinh phân luồng".

Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh rằng, học nghề là để tạo hành trang vững chắc cho các em lập nghiệp, còn học văn hóa là bước phát triển cần thiết cho các em. Các em giỏi về tay nghề mà kiến thức văn hóa bị hổng, đó sẽ là một điều thiệt thòi rất lớn. Kiến thức văn hóa tốt thì các em tiếp thu việc học nghề tốt hơn, có kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn.

Với sự đoàn kết có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trường Trung cấp kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam, mong rằng trong những năm học tiếp theo nhà trường sẽ đạt được nhiều thành tích nổi bật hơn nữa và sẽ có thêm nhiều thật nhiều những niềm tự hào mang tên người con xứ Nghệ.

“Nhà trường luôn giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh rằng học nghề là để tạo hành trang vững chắc cho các em lập nghiệp, còn học văn hóa là bước phát triển cần thiết cho các em. Các em giỏi về tay nghề mà kiến thức văn hóa bị hổng, đó sẽ là một điều thiệt thòi rất lớn. Kiến thức văn hóa tốt thì các em tiếp thu việc học nghề tốt hơn, có kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn” – Thầy Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.