Hồ Urmia trước và sau đợt hạn hán. (Nguồn: earthobservatory.nasa.gov)
Một đợt hạn hán tồi tệ tại khu vực hồ Urmia của Iran đã đưa di sản được UNESCO công nhận của quốc gia này đến bên bờ vực bị biến mất khỏi bề mặt Trái Đất, cũng như biến vùng nước một thời xanh trong thành màu đỏ như máu.
Hồ Urmia từng trải rộng trên một diện tích lớn gấp 5 lần Hong Kong. Tuy nhiên, diện tích hồ đã bị thu hẹp đáng kể từ năm 1972.
Nghiên cứu của các chuyên gia thủy văn tại Đại học California năm 2014 đã hé lộ bức tranh về một hồ nước đang chết dần chết mòn, và chỉ ra rằng tình trạng khô hạn đã thu hẹp gần 90% trên tổng số 5.000 km vuông diện tích hồ.
Sự tàn lụi thảm khốc của hồ Urmia đã được so sánh với sự biến mất của biển Aral. Hệ thống thủy lợi kém cũng như hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân sống quanh đó đã góp phần thúc đẩy khiến biển Aral gần như cạn kiệt.
Hàm lượng muối lớn ở hồ Urmia đã nhuộm lên cho nó một sắc màu chết chóc, biến nước hồ từ màu xanh trong thành đỏ như máu.
Các nhà khoa học của Đài quan sát Trái Đất thuộc NASA giải thích rằng khi mực nước hạ thấp trong các tháng nóng mùa hè, vi tảo và vi khuẩn xuất hiện và được nhìn thấy rõ hơn, dẫn đến màu sắc bất thường của nước hồ.
Hiện tượng nước đổi màu này đã diễn ra vài lần trước đây, nhưng đang trở nên ngày càng thường xuyên hơn. Hình ảnh từ vệ tinh giám sát khu vực đã cho thấy rằng lần nước đổi màu đỏ gần đây nhất xảy ra vào giữa tháng Tư và tháng Bảy năm nay.
Nhà khoa học Mohammad Tourian thuộc Đại học Stuttgart, đã theo sát quá trình dần biến mất của hồ Urmia Ông chỉ ra rằng sự suy giảm lượng nước đáng báo động tại hồ (1,03 km khối nước mỗi năm) đã cho phép loài tảo tên là Dunaliella salina phát triển.
"Những nghiên cứu trước đây cho thấy rằng [tảo] Dunaliella salina là nguyên nhân gây ra màu đỏ của hồ Urmia," Tourian cho biết.
"Trong môi trường biển, Dunaliella salina có màu xanh lá cây. Tuy nhiên, trong điều kiện hàm lượng muối cao và ánh sáng mạnh, loài vi tảo này sẽ chuyển sang màu đỏ do sự sản sinh carotenoid trong tế bào của chúng."
Năm 2014, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố đầu tư 5 tỷ USD để cứu điểm du lịch nổi tiếng này.
Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng những tổn hại xảy ra với hồ Urmia đã vượt quá khả năng khắc phục của con người.
"Các kết quả hình ảnh từ vệ tinh cho thấy lượng nước mất đi đã tăng lên với tốc độ trung bình là 220 km khối/năm, tức là hồ đã mất đi khoảng 70% diện tích bề mặt trong vòng 14 năm qua," Tourian cho hay./.