Ngành công nghiệp độc ác này thường có đối tượng là động vật hoang dã thường bị giam giữ trong điều kiện kinh khủng và chỉ được nuôi để lấy các bộ phận trên cơ thể.
Bất ngờ hơn, dịch vụ này được coi là hợp pháp ở Nam Phi, mặc dù các nhà bảo tồn nhấn mạnh rằng có mối liên hệ giữa những trang trại buôn bán xương cốt và các tập đoàn tội phạm quốc tế, trong đó có kinh doanh sừng tê giác.
Chuyên gia phúc lợi tối cao đang kêu gọi cấm ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này bởi theo họ đây là cách khiến loài sư tử đang dần tuyệt chủng.
Người đứng đầu chính sách tại Quỹ bảo vệ động vật hoang dã Born Free Foundation – Mark Jones chia sẻ với Metro rằng: “Sư tử không phải là loài sống quen trong tình trạng nuôi nhốt. Trong ngành công nghiệp tàn ác này, tất cả đều đặt tiền lên trên việc bảo tồn.”
Có khoảng 8000-12.000 con sư tử hiện đang bị nhốt trong khoảng 300 trung tâm nuôi nhốt trên khắp Nam Phi. Nhiều con sẽ bị đưa vào khu vực có rào chắn và bị bắn chết bởi các thợ săn trả tiền để vào săn bắn (trophy hunter).
Dịch vụ này được gọi là Săn bắn sư tử nuôi nhốt (Canned Hunting). Sau khi bị bắn chết, những người chủ nuôi sẽ “vắt kiệt những đồng cuối cùng” từ những con sư tử bằng cách bán xương của chúng cho những thương nhân Đông Á.
Các người bảo tồn cho biết đang có một xu hướng mới nuôi nhốt sư tử chỉ để lấy xương – xương sẽ được sử dụng để điều chế rượu hoặc thuốc dù không có lợi ích nào về mặt y học.
Trong năm 2017, khoảng 91% số bộ xương sư tử xuất khẩu nguyên đầu (những con không bị thợ săn bắn chết vì thông thường thợ săn sẽ mang đầu con vật về như một chiến tích).
Ông Jones cho biết thêm: “Buôn bán xương cốt sư tử quốc tế có thể là một mô hình mới nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Ban đầu việc buôn bán xương cốt chỉ là nguồn thu phụ sau dịch vụ săn bắn sư tử nuôi nhốt nhưng gần đây xương cốt sư tử đã trở thành sản phẩm chính. Người dân ở đây nuôi sư tử vì mục đích thương mại và chính phủ Nam Phi cũng đang khuyến khích điều này.
Theo một số báo cáo khủng khiếp về việc nuôi nhốt, những con sư tử bị giam giữ trong điều kiện kinh hoàng. Chúng bị bỏ đói và hốc hác. Do mục đích của người nuôi là bộ xương nên những trang trại này không hề quan tâm đến tình trạng của những con sư tử khi còn sống".
Nam Phi là quốc gia xuất khẩu xương cốt hàng đầu, thúc đẩy thị trường y học cổ truyền châu Á toàn cầu sinh lời lớn. Những sản phẩm cổ truyền này còn bao gồm rượu, viên nang, gel và cao bôi với niềm tin rằng sẽ chữa khỏi nhiều loại bệnh từ viêm khớp đến viêm màng não.
Thông thường, xương sư tử sẽ được trộn vào cùng xương hổ - một loài vật cũng đang phải chịu chung số phận, với ước tính khoảng 9000 con hổ trong các trang trại khắp Thái Lan, Lào, Việt Nam và Trung Quốc.
Một chủ trang trại ở Nam Phi có thể thu về khoảng 3000 bảng Anh cho một bộ xương của con đực trưởng thành. Thường những thương nhân châu Á sẽ mua khoảng 20 bộ như vậy.
Những nhà vận động cho biết xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2008, những bộ xương được lấy từ những con sư tử bị bắn chết trong dịch vụ săn bắn sư tử nuôi nhốt. Thị trường chính lúc ấy là Mỹ nhưng sau đó đã giảm mạnh trong những năm gần đây sau khi Washington cấm nhập khẩu những mặt hàng chiến lợi phẩm.
Quỹ Born Free Foundation cho biết các chủ trại sư tử hiện đang tìm cách kiếm tiền từ những loài vật họ nuôi nhốt, những con vật đang được đưa vào danh sách dễ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.
Những “con mèo lớn” đang bị giết bằng cách cho ăn thịt tẩm độc để thu lại những bộ phận khác nhau bao gồm móng, răng và đầu. Số liệu chính phủ cho thấy có khoảng 5.363 bộ xương sư tử Nam Phi đã được xuất khẩu từ năm 2008 đến 2015.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã cấm buôn bán động vật hoang dã, bao gồm cả những loài “mèo lớn”. Nhưng vào năm 2016, chính phủ Nam Phi đã vận động thành công để việc buôn bán xương cốt động vật được miễn trừ khỏi công ước này, cho rằng xương cốt chỉ là chất thải.
Họ được phép xuất khẩu 800 bộ xương mỗi năm, thường được vận chuyển qua các kênh vận chuyển thương mại. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết mức giới hạn này thường xuyên bị vượt và thậm chí số lượng xương xuất khẩu từ nước này gấp đến 2, 3 lần so với mức giới hạn.
Họ cũng lập luận rằng những con sư tử hoang dã đang bị săn trộm và bộ xương của chúng cũng được đem đi giao dịch vì các cơ quan thi hành luật không thể phân biệt giữa xương hợp pháp và xương bất hợp pháp.
Hiện tại các tổ chức và quỹ bảo vệ động vật vẫn đang tìm cách để bảo tồn loài sư tử, đặc biệt là ở Nam Phi. Tuần tới, công ước CITES và quỹ Born Free Foudation sẽ có buổi gặp mặt ở Geneva để vận động đưa ra một lệnh cấm nuôi nhốt và buôn bán sư tử.
Ông Jones cho biết những kẻ nuôi nhốt hiện đang giết khoảng 3000 con sư tử hoang dã trên khắp các trại và công viên quốc gia ở Nam Phi để lấy các bộ phận trên cơ thể chúng.
Ông chia sẻ: “Hoạt động buôn bán động vật hoang dã là vấn đề nghiêm trọng và những chủ trang trại đang cố kích cầu để tạo thị thường cho sản phẩm của chúng”.