Kinh hãi mắt bị loét giác mạc do đeo kính áp tròng khi đi ngủ

GD&TĐ - Bác sĩ Patrick Vollmer làm việc tại Phòng khám mắt Vita ở Shelby, Bắc Carolina (Mỹ) đã chia sẻ hình ảnh mắt của một bệnh nhân mà ông điều trị.

Kinh hãi mắt bị loét giác mạc do đeo kính áp tròng khi đi ngủ

Bác sĩ Patrick Vollmer cho biết, thời gian qua, ông thường xuyên tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện do đeo kính áp tròng ngủ qua đêm dẫn đến viêm giác mạc.

Gần đây nhất, một phụ nữ đến viện trong tình trạng đau rát, chảy mủ vàng nhiều vùng mắt. “Giác mạc bệnh nhân bị ăn mòn bởi vi khuẩn, để lại vết thương hoại tử màu trắng, chảy mủ rất đáng sợ”, bác sĩ Patrick nói.

Bức ảnh người phụ nữ bị viêm giác mạc được bác sĩ chia sẻ.
 Bức ảnh người phụ nữ bị viêm giác mạc được bác sĩ chia sẻ.

Bệnh nhân chia sẻ, 3 ngày trước cô có dấu hiệu lạ ở mắt nhưng chỉ là những mủ vàng rất nhỏ nên không đi khám.

Vết loét to lên nhanh chóng khiến cô đau rát, chảy mủ vàng vùng mắt và phải lập tức đến cơ sở y tế chuyên về mắt để kiểm tra.

Để điều trị, bệnh nhân này phải dùng kết hợp các loại thuốc nhỏ mắt, kháng sinh và chống viêm. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, nên sau khi điều trị, tiên lượng thị lực của người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.

Những tổn thương do vi khuẩn gây nên có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Những tổn thương do vi khuẩn gây nên có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Theo bác sĩ Patrick, đeo bất kỳ loại kính áp tròng nào khi đi ngủ đều có nguy cơ bị nhiễm trùng giác mạc gấp 6-8 lần.

Trung bình mỗi năm trong số 10.000 người ngủ qua đêm với kính áp tròng có khoảng 18-20 ca nhiễm viêm giác mạc do vi khuẩn Pseudomonas. Đây là loại vi khuẩn hàng đầu gây nhiễm trùng, các tật ở mắt và khiến mắt bị mù vĩnh viễn.

“Không thể phủ nhận sự cuốn hút từ đôi mắt khi sử dụng kính áp tròng với mục đích làm đẹp. Tuy nhiên, việc lạm dụng và không có kiến thức về các biện pháp an toàn khi dùng kính sẽ khiến đôi mắt bị tổn thương nghiêm trọng.

Do vậy, mọi người cần thận trọng và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng kính áp tròng để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Patrick cảnh báo.

Theo Fox News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ