Bởi ngoài việc làm kinh tế, kinh doanh sinh lãi thì đòi hỏi phải nghĩ đến nhiều thứ khác đi kèm: Tác động môi trường, đạo đức, sức khỏe... Cho nên, nếu chỉ giỏi kinh tế là chưa đủ.
Ngặt ở chỗ, xu hướng “kinh tế là trên hết” đang trở thành phong trào ở những người làm kinh doanh thời đại mới. Điều đó đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ chăm chăm vào vấn đề sinh lãi cao cho công ty mình mà không có đạo đức (gọi nôm na là gian thương), bất chấp tất cả, khiến cho xã hội bị ảnh hưởng.
Khi lợi nhuận được đặt lên trên hết, người làm kinh tế đã nghiêng về vạch tiêu cực mà bất chấp mọi hậu quả. Việc cạnh tranh không lành mạnh không dừng lại ở tiểu thương mà tập đoàn, quốc gia này với quốc gia nọ...
Từ đó dẫn đến việc môi trường bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp xả thải không qua xử lý, rừng xanh ngã xuống để làm thủy điện (nhưng bản chất là lấy gỗ hợp thức hóa), các sinh vật biển, hồ kéo theo phơi mình lềnh bềnh trên mặt nước.
Ảnh hưởng đến sức khỏe là điều không thể tránh khỏi. Nhiều thực phẩm bẩn bày bán tràn lan, rau - củ - quả phun thuốc vô tội vạ. Nguy hiểm nhất là nhiều chất gây ung thư và các bệnh nan y khác...
Chỉ bàn đến đạo đức thôi, tức là ý thức tự giác, đã thấy mệt. GS.TS xã hội học - kinh tế Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã nói trong cuốn “Nhân văn và kinh tế - Tình và tiền trong quản trị kinh doanh” (NXB Trẻ), rằng: “...
Kinh tế mà làm cho con người mất tính người và cõi sống của con người ngày càng mất đi những cái đẹp ý vị thanh tao thì làm kinh tế rốt cuộc là để làm gì?”.
Một câu hỏi tu từ hết sức thâm thúy. Bản chất làm kinh doanh là để phục vụ cho cuộc sống, mà trước tiên là phục vụ cho chính mình. Nhưng một khi kinh doanh không đẹp chỉ vì đạo đức bị suy đồi thì cuộc sống sẽ tồi tệ. Vì thế kinh doanh luôn phải đi kèm với đạo đức. Chỉ có thế, xã hội này mới phát triển theo hướng tích cực và lâu bền.