Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có thể kìm hãm một phần quá trình chết của các tế bào não (các nơ ron), đồng thời hồi phục một phần các kết nối synapse (cấu trúc tiếp xúc giữa các nơ ron).
Lâu nay đã có quan điểm cho rằng não không thể phục hồi sau khi không có máu nuôi dưỡng trong vòng vài ba phút. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải định nghĩa lại khái niệm chết lâm sàng và chết của thân não. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng những bộ não lợn “hồi sinh” không thể hiện dấu hiệu nhận thức hay vô thức.
Sau 4 giờ bị lấy ra khỏi cơ thể, 32 bộ não lợn được kết nối với hệ thống duy trì sự sống đặc biệt do các nhà khoa học ở ĐH Yale (Mỹ) phát triển. Hệ thống bơm máu nhân tạo đều đặn xung quanh não nhằm đưa oxy và thuốc vào não để tái sinh các tế bào thần kinh. Các nhà khoa học không tiết lộ họ sử dụng những loại thuốc gì.
Nghiên cứu cho thấy một số tế bào não được hồi sinh, một số khu vực não hoạt động trở lại. Các nhà khoa học cũng phát hiện thấy các synapse hoạt động, tạo khả năng liên lạc. Các bộ não cũng tỏ ra có phản ứng đối với thuốc và sử dụng cùng lượng oxy như các cơ quan nội tạng sống khác. Tất cả diễn ra như vậy sau khi những con lợn bị giết 10 giờ.
Tuy nhiên, kết luận quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu này là trên điện não đồ không thấy xuất hiện các dấu vết hoạt động điện chứng tỏ có sự nhận thức của toàn não bộ. Điều đó có nghĩa là các bộ não lợn trong thí nghiệm về bản chất vẫn là những bộ não đã chết.
Các nghiên cứu cho cái nhìn mới về vấn đề chết não - tức là quá trình mà cho đến nay được xem là không thể quay trở lại. Các bác sĩ cho biết cái chết não thường xuất hiện khoảng 5 phút sau khi không có tuần hoàn máu, bởi xảy ra tình trạng thiếu oxy.
“Cái chết của các tế bào não diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn so với giả định trước đây. Cái chết não là một quá trình chậm dần. Một số giai đoạn có thể được đảo ngược” - Giáo sư Nenad Sestan ở ĐH Yale cho biết như vậy.
Tất nhiên là những nghiên cứu như nói trên đối với các mô hoặc tế bào sống vẫn tiếp tục gây tranh luận trái chiều, tùy thuộc vào việc cơ quan nội tạng của con vật nào được sử dụng làm thí nghiệm. Các nhà đạo đức học lưu ý về việc cần có những quy định mới, bởi những con vật được sử dụng cho nghiên cứu có thể ở trong “khu vực xám” - không còn sống, nhưng cũng chưa chết hẳn.
Việc sử dụng các kết quả của nghiên cứu có thể cho mô hình điều trị tốt hơn đối với các bệnh thoái hóa thần kinh, như Alzheimer hay Parkinson.
Những nghiên cứu của các nhà khoa học ở ĐH Yale có thể giúp phát triển những phương pháp phục hồi não tốt hơn sau thương tổn (đột quỵ, thiếu oxy…).
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về “tái sinh” não. Các nhà khoa học chưa biết liệu có khả năng phục hồi các hoạt động bình thường hoặc thậm chí một dạng nhận biết nào đó của não.