“Các thiết bị này sẽ điều hướng hệ thống mạch máu của con người, vượt qua mạch máu não và tự động định vị chính xác giữa hoặc thậm chí là trong các tế bào não.
Sau đó, chúng sẽ truyền thông tin được mã hóa đến và từ một mạng siêu máy tính dựa trên đám mây điện toán để theo dõi và trích xuất dữ liệu trạng thái của não thời gian thực”, tác giả chính của công trình nghiên cứu, ông Robert Freitas, Jr. chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Neuroscience. Được đề xuất lần đầu tiên bởi nhà tương lai học Ray Kurzweil - người cũng cho rằng máy tính sẽ thông minh như con người trong vòng một thập kỷ, khái niệm B/CI có thể cho phép mọi người chỉ cần nghĩ về một câu hỏi và có được trả lời ngay lập tức, trái ngược với việc tìm kiếm nó thông qua một công cụ tìm kiếm, tương tự như cách thông tin được tiếp nhận trong loạt phim khoa học viễn tưởng “Ma trận” của Mỹ.
TS Nuno Martins, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu cho biết: “Một hệ thống B/CI của con người trung gian bởi robot nano thần kinh có thể trao cho các cá nhân quyền truy cập tức thời vào tất cả kiến thức tích lũy của nhân loại có sẵn trên đám mây điện toán, đồng thời cải thiện đáng kể năng lực học tập và trí tuệ của con người”.
“Ngoài việc có được quyền truy cập trực tiếp, tức thời vào hầu hết mọi khía cạnh của khối kiến thức tích lũy bởi nhân loại, nó còn có các ứng dụng tiềm năng khác” - theo các nhà khoa học công bố trong nghiên cứ: “Chúng bao gồm khả năng cải thiện giáo dục, trí tuệ, giải trí, du lịch, cũng như nhiều trải nghiệm tương tác khác”.
Mặc dù chưa sẵn sàng để thử nghiệm rộng rãi trên người, nhưng công nghệ non trẻ đã thành công ở quy mô nhỏ.
“Một hệ thống “BrainNet” cho con người đã được thử nghiệm, cho phép trao đổi thông tin bằng ý nghĩ thông qua đám mây giữa bộ não của nhiều cá thể” - TS Martins cho biết - “Nó sử dụng tín hiệu điện được ghi lại qua hộp sọ của người gửi và kích thích từ thông qua hộp sọ của người nhận, qua đó cho phép thực hiện các nhiệm vụ hợp tác”.
Năm 2018, các nhà khoa học đã phát minh ra công nghệ nói trên, đặt tên là BrainNet, cho phép ba người trò chuyện và chơi trò chơi cùng nhau hoàn toàn chỉ bằng ý nghĩ, theo The Sun.
TS Martins nói thêm rằng, nhờ vào sự tiến bộ trong nghiên cứu robot nano thần kinh, các nhà khoa học có thể tạo ra một “siêu não bộ” có khả năng cách mạng hóa nền dân chủ, tăng cường khả năng đồng cảm và cuối cùng là hợp nhất các nhóm đa dạng văn hóa thành một xã hội toàn cầu thực sự.
Ý tưởng hợp nhất nhân loại với máy móc không hề mới, vì nhiều nhà nghiên cứu, bao gồm cả nhà tương lai học Kurzweil, đã thảo luận về nó từ lâu. Năm 2018, nhà tương lai học, TS Ian Pearson đã xuất bản trên một blog về lý thuyết rằng con người cuối cùng có thể trở nên bất tử, không phải thông qua cơ thể sinh học của họ mà bằng cách hợp nhất bộ não của họ với android (cơ thể máy).
TS Pearson nói thêm rằng có thể phải đợi đến năm 2050, điều này mới trở thành thực tế, mặc dù ông cũng cảnh báo: “Nhiều người có thể sẽ phải đợi đến năm 2060 hoặc muộn hơn, cho đến khi giá android rớt xuống đủ thấp với mức có khả năng chi trả được”.