Tuyên bố được thông tấn Anh dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hôm 23 tháng 2: "Ukraine đang có 110 lữ đoàn trong biên chế, đã sản xuất được 1,5 triệu thiết bị bay không người lái (UAV) trong năm ngoái và sẽ cho ra lò 4,5 triệu chiếc trong năm nay".
Ông Radoslaw Sikorski nói khi được hỏi liệu Ukraine có thể tồn tại mà không cần đảm bảo an ninh từ NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU), và liệu EU có thể cung cấp những đảm bảo như vậy hay không.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ba Lan nhận định rằng năng lực của quân đội Ukraine đã được chứng minh trên thực tế chiến trường, dù ba năm trước mọi người đều cho rằng Nga áp đảo Ukraine về mọi mặt và có thể chấm dứt cuộc chiến chóng vánh.
"Nếu ba năm trước ai hỏi tôi về tương lai cuộc chiến Ukraine và Nga sẽ đi đến đâu sau ba năm nữa, tôi nghĩ bất ai trong chúng ta đều không thể đoán rằng Nga chỉ kiểm soát được 20% lãnh thổ Ukraine.
Quân đội Ukraine có thể tự mình chiến đấu chỉ với sự hỗ trợ từ châu Âu cho đến hết năm nay và tôi nghĩ Tổng thống Nga Putin phải tính đến điều này", ông Sikorski nói.
Khi được hỏi về việc liệu Ukraine có nhận được đảm bảo an ninh từ Washington hay không, ông Sikorski nhấn mạnh rằng Ukraine đã có những đảm bảo an ninh theo Bản ghi nhớ Budapest từ năm 1994, khi nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới để đổi lấy cam kết bảo đảm an ninh, trong đó có Nga.
Cùng với đó, Ukraine cũng đã ký hiệp ước biên giới với Nga nhằm bảo đảm tính toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, những đảm bảo này không được thực hiện đúng cam kết.
Ngoại trưởng Sikorski cho rằng đảm bảo an ninh tốt nhất cho Ukraine chính là đội quân gần một triệu người của nước này.
"Nếu chúng ta muốn có một nền hòa bình bền vững, thì đó phải là một nền hòa bình mà cả hai bên có thể chấp nhận được, và trên hết, bên bị tấn công phải được bảo vệ", ông nhấn mạnh.
Xung đột Nga - Ukraine đã trải qua ba năm và chưa có dấu hiệu kết thúc, dù một số nỗ lực đàm phán đang được Nga - Mỹ tiến hành. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Ukraine "khơi mào" và cố tình kéo dài chiến sự, đồng thời đe dọa dừng viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong ba năm qua, Mỹ là nước hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine với các khoản chi lên đến 175 tỷ USD. Tuy nhiên, Ukraine chỉ nhận trực tiếp 106 tỷ USD, gồm 69,8 tỷ USD viện trợ quân sự, 33,3 tỷ USD hỗ trợ tài chính và 2,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo.
Số tiền còn lại được chi cho các hoạt động liên quan của Mỹ và một phần nhỏ được dùng để hỗ trợ cho những nước bị ảnh hưởng trong khu vực.
Bên viện trợ nhiều thứ 2 cho Ukraine chính là châu Âu. Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết EU và các nước thành viên đã viện trợ quân sự 49,4 tỷ USD và huấn luyện khoảng 70.000 binh sĩ cho Ukraine.