Nhân dịp kết thúc năm 2022, trang Defense Express của Ukraine đã xuất bản một bài viết nêu những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine trong năm 2023 và nhấn mạnh rằng, cuộc chiến với Moscow cho thấy rằng, Kiev đang phải trả giá đắt cho thời gian đã mất.
Bài viết nêu rõ, “ngây thơ” là từ khóa khi đọc báo cáo kết quả công việc của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ mà họ đề ra cho năm 2021.
Ví dụ, hai năm trước Defense Express đã viết về lời hứa thanh lý Ukroboronprom, “đặt nền móng” cho sự đổi mới của lực lượng hải quân của Ukraine; nâng cấp và đổi mới lực lượng phòng không và hoàn thành việc tạo ra tổ hợp tên lửa chiến thuật tác chiến của riêng Ukraine.
50 ngày trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát (tức đầu năm 2022), Defense Express cũng đã viết về đổi mới phòng không và hàng không, chỉ rõ đây là nhiệm vụ trị giá hàng tỷ dollars, nhấn mạnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các kế hoạch và triển khai sản xuất hàng loạt vũ khí.
Bây giờ, khi đọc lại những bài báo này, khi Ukraine đã chống cự và giành lại nhiều vùng đất từ tay Nga trong cuộc chiến đã kéo dài 11 tháng, tất cả những định hướng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể được gói gọn chỉ bằng 2 từ “ngây thơ”.
Bởi vì, ngay cả khi chúng ta tưởng tượng rằng đầu năm 2021, tất cả các nhiệm vụ chính và rõ ràng mà họ (tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine) đề ra đã được hoàn thành vào thời điểm hiện tại, thì khó có khả năng có bất cứ điều gì thay đổi về cơ bản trong một năm trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Pháo đặt trên xe Bohdana được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2018 |
Nhiệm vụ nâng cấp Phòng không Ukraine
Hãy tưởng tượng rằng vào đầu năm 2021, Ukraine đặt mua các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của phương Tây. Không đề cập đến câu hỏi về chi phí, nhưng các tổ hợp phòng không như NASAMS hoặc IRIS-T đặt hàng vào năm 2021, sẽ không sẵn sàng sau một năm nữa.
Việc Kiev nhận được chúng là kết quả của việc "di chuyển danh sách ưu tiên" trong danh sách khách hàng hiện tại vì lợi ích của Ukraine. Và thời hạn thực sự để chuyển giao các hệ thống phòng không này sẽ là dần dần trong giai đoạn 2023-2025.
Ví dụ, vào cuối năm 2020, Hungary đã đặt hàng NASAMS và thời hạn giao hàng ghi rõ là họ chỉ nhận được các tổ hợp SAM đầu tiên vào năm 2023.
Lực lượng phòng không của Ukraine không dựa vào NASAMS và IRIS-T, mà dựa vào các hệ thống phòng không được sản xuất dưới thời Liên Xô với độ tuổi trung bình hơn 30 năm.
Không sớm hơn thời hạn đó, mẫu đầu tiên của hệ thống phòng không nội địa Ukraine có thể được thử nghiệm trong trường hợp sớm nhất, phải mất thêm 5 năm nữa nó mới được đưa vào sử dụng và chỉ mới bắt đầu sản xuất hàng loạt. Mà đây đã là những giả định lạc quan nhất, vì Thổ Nhĩ Kỳ đã phải mất 13 năm chỉ để tạo ra tổ hợp phòng không HISAR của mình.
Lực lượng phòng không của Ukraine dựa vào các hệ thống phòng không của Liên Xô với độ tuổi trung bình hơn 30 năm |
Nhiệm vụ nâng cấp Không quân Ukraine
Về máy bay, các điều khoản giao hàng hiện tại đối với Gripen từ hãng Saab được tính toán trong sáu đến bảy năm, còn máy bay F-16 của Mỹ cũng là sáu năm, theo ví dụ về hợp đồng với Bulgaria.
Khả năng duy nhất để có được ngay chiến đấu cơ là mua lại những chiếc máy bay đã qua sử dụng, cụ thể là đặt hàng máy bay phản lực Rafale của Pháp. Những chiếc tiêm kích đời đầu đã qua sử dụng sau khi sửa chữa có thể đến Ukraine một năm sau khi ký thỏa thuận.
Ví dụ, thời hạn như vậy đã được thỏa thuận với Hy Lạp, vào cuối năm 2020 đã đặt hàng 18 máy bay trị giá 2,8 tỷ USD. Và người ta chỉ có thể lắc đầu nếu Ukraine đặt mua Rafale đã qua sử dụng hai năm trước, với cái giá “trên trời”, khoảng 155 triệu USD/chiếc.
Máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine đã làm được điều tưởng chừng không thể, không cho phép Nga giành được ưu thế trên không, mặc dù có lợi thế gấp 10 lần Lực lượng Không quân Ukraine.
Chúng tôi thậm chí không đề cập đến số tiền có sẵn để thực hiện các hợp đồng đắt giá như vậy, những giao dịch này thường được tính bằng hàng tỷ dollars. Cũng như việc Kiev cam chịu trước lệnh “cấm vận vũ khí sát thương” của phương Tây suốt từ năm 2014 và chỉ đến năm 2018, Mỹ mới đồng ý bán tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Javelin cho Ukraine.
Chiến đấu cơ MiG-29 của không quân Ukraine |
Lực lượng tăng-thiết giáp Ukraine
Tình hình với xe thiết giáp các loại cũng không khác gì. Kể từ năm 2014, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã hoàn thành nhiệm vụ là hiện đại hóa phương tiện tác chiến mặt đất, thông qua một quyết định thực tế là lắp đặt camera chụp ảnh nhiệt và thiết bị liên lạc kỹ thuật số trên xe bọc thép và xe tăng, những phương tiện cũng nhận được lớp bảo vệ năng động mới.
Nhưng Ukraine không thể sản xuất vài trăm xe tăng T-84 Oplot trong một năm. Ngay cả khi đơn đặt hàng được ban hành vào ngày 01/01/2021, thì đến ngày 24/02/2022 (Ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine), tối đa là mới chỉ có vài chục xe đã sẵn sàng, do chu kỳ sản xuất của một xe tăng Oplot kéo dài tới hơn 12 tháng.
Đó là trong điều kiện tối ưu và vẫn chưa tính đến các vấn đề thực sự xảy ra với việc sản xuất hàng loạt thiết bị, chẳng hạn sự chậm trễ trong hợp đồng xe bọc thép BTR-4 hay việc sản xuất đủ số xe tăng Oplot cho hợp đồng xuất khẩu 49 chiếc kéo dài tới 7 năm.
Như vậy, nếu Bộ Quốc phòng Ukraine trao đơn hàng 100 chiếc T-84 Oplot cho lực lượng mặt đất thì nó sẽ chỉ được hoàn thành sau 14 năm hoặc lâu hơn.
Và ngoài các phương tiện bọc thép, rõ ràng cần phải bổ sung mới và nâng cấp các máy bay trực thăng vận tải, trực thăng tấn công của hàng không lục quân; lực lượng pháo mặt đất và pháo phòng không, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa phòng không tầm thấp…
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BV của Lục quân Ukraine |
Vấn đề với lực lượng pháo binh Ukraine
Nói về pháo, sự hiện diện của một mẫu, chẳng hạn như pháo tự hành Bohdana, mới hoàn thành các cuộc thử nghiệm hỏa lực sơ bộ đúng một tháng trước cuộc xâm lược toàn diện, không có nghĩa là sản xuất hàng loạt. Và việc bắt đầu sản xuất hàng loạt không có nghĩa là mẫu này đã được sản xuất hàng loạt trong quân đội.
Để làm rõ lập luận này, chúng ta lấy ví dụ như với pháo tự hành CAESAR của Pháp, thời gian từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến khi xuất hiện đủ số lượng trong quân đội phải mất bao lâu.
CAESAR được trình diễn vào năm 1994, sau đó nguyên mẫu đầu tiên được bàn giao cho quân đội vào năm 1998 và vào năm 2004, một đơn đặt hàng đã được ban hành cho 72 khẩu pháo tự hành trị giá 358 triệu dollars, việc cung cấp các mẫu nối tiếp kéo dài từ năm 2008 đến 2011.
Lịch sử không biết chữ “nếu”, nhưng nếu chỉ nghĩ về việc cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào ngày 24 tháng 2, thì sẽ có một câu trả lời duy nhất là không phải một hoặc hai năm, mà Ukraine sẽ mất tới hàng thập kỷ.
Xét đến chiến dịch quân sự của Nga vào đầu năm 2022, thì Ukraine đã phải bắt đầu chuẩn bị cho điều này không phải năm 2021, không phải năm 2019 hay thậm chí là năm 2014, mà ngay từ đầu những năm 2000 Kiev đã phải xây dựng một chiến lược nâng cao tiềm lực quốc phòng.