Kiều - Nguồn cảm hứng bất tận

GD&TĐ - Chưa bao giờ nàng Kiều lại gây xáo động các sân khấu như năm nay. Liên tiếp các vở diễn khai thác, chuyển thể tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đang giúp nàng Kiều “lột xác”, biến hóa khôn lường, nhờ các thủ pháp nghệ thuật và bàn tay dàn dựng sáng tạo của các đạo diễn tài ba. Khán giả sẽ được tiếp nhận những góc nhìn đa chiều về thân phận người phụ nữ từ các quan điểm nghệ thuật khác nhau …

“Kiều” đã được cố NSND Anh Tú dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam
“Kiều” đã được cố NSND Anh Tú dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam

Kiều “tung tăng” trên sân khấu

Viện Goethe vừa tổ chức hội thảo và công bố dự án dàn dựng Truyện Kiều. Có tới bốn đạo diễn sân khấu được mời tham giadự án và điều lý thú nhất là các đạo diễn được tùy ý lựa chọn kể câu chuyện nàng Kiều theo cách riêng qua lăng kính sáng tạo sân khấu thử nghiệm và từ góc nhìn đương đại trong tác phẩm của mình.

Bốn đạo diễn gồm Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), Trần Lực (Đoàn Kịch xã hội hóa LucTeam), Hồng Vân (Sân khấu Kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer.

Tác phẩm để đời của đại thi hào Nguyễn Du đã được Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới xác định kỷ lục thế giới khi được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau và trên 35 bản dịch.

Là người được đọc bản dịch Truyện Kiều từ tiếng Đức, ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe đánh giá rất cao giá trị văn học, ý nghĩa mang tầm nhân loại của tác phẩm.

Ông cho biết: “Tôi vô cùng xúc động khi bàn về thân phận của nàng Kiều. Ý định dàn dựng Truyện Kiều trên sân khấu thử nghiệm đương đại đã được chúng tôi ấp ủ trong nhiều năm và quan tâm, tìm kiếm sự hợp tác. Thực hiện dự án văn hóa này, Viện Goethe mong muốn các đạo diễn sẽ tìm hiểu, khám phá tác phẩm để dựng nên những lát cắt khác nhau về thân phận người phụ nữ theo góc nhìn mới mẻ của thời hiện đại. Dự án nàng Kiều sẽ có những phiên bản khác nhau với mục đích khắc họa được thân phận nàng Kiều một cách đa chiều”.

“Tôi thấy đề bài của Viện Goethe như một workshop thú vị nhưng khá thách thức bởi thời lượng dự án thể hiện mỗi tác phẩm chỉ có khoảng 20 - 25 phút. Điều tôi thích là mỗi đạo diễn tự lựa chọn tái hiện lại một giai đoạn sống trong cuộc đời của nàng Kiều hoặc tìm cách riêng để kết cấu lại Truyện Kiều miễn sao biểu đạt được ý đồ sáng tạo của mình”, đạo diễn Trần Lực chia sẻ.

Sân khấu ước lệ, biểu hiện LucTeam sẽ chọn lát cắt giai đoạn Thúy Kiều gặp Từ Hải chứ không khai thác sự bi luỵ, truân chuyên của thân phận nàng Kiều. Mong muốn mang tới cho khán giả một hình tượng nhân vật phụ nữ đẹp toàn diện, hồn nhiên về cả nhan sắc và tâm hồn lẫn sức mạnh nội tâm. NSƯT Trần Lực và nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng sẽ viết kịch bản, chọn dựng giai đoạn Kiều gặp Từ Hải để khẳng định sức mạnh tiềm tàng và nghị lực vượt thoát vươn lên trong mọi hoàn cảnh bị cuộc đời vùi dập của nàng Kiều.

Nàng Kiều trong vở múa đương đại “Truyện Kiều” của nữ biên đạo múa Hàn Quốc
  • Nàng Kiều trong vở múa đương đại “Truyện Kiều” của nữ biên đạo múa Hàn Quốc

Sức sống trường tồn

Đạo diễn trẻ tài năng Bùi Như Lai - Nhà hát Tuổi trẻ coi dự án này là đơn đặt hàng đầy… thách thức nhưng vô cùng hào hứng bởi nó kích thích ghê gớm cá tính sáng tạo của các đạo diễn.

Theo đạo diễn Bùi Như Lai, thông qua hình thức kịch đương đại và kịch đọc, bản diễn của sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ sẽ không dựng Kiều ở một giai đoạn nhất định. Thân phận và số phận của nàng Kiều sẽ được bao quát bám theo các yếu tố định mệnh, tình yêu, sự chịu đựng, khát vọng tự do của nhân vật trong nguyên tác.

Không chỉ mời các đạo diễn phía Bắc, Viện Goethe lựa chọn Sân khấu Kịch Hồng Vân, một sân khấu có thương hiệu và uy tín phía Nam để tạo tiếng vang và sự lan tỏa cho dự án thể nghiệm này. Tự tay viết kịch bản, đạo diễn Lê Quốc Nam khai thác phân đoạn Kiều mượn tay Từ Hải “báo ân báo oán”, trả thù những kẻ đã rắp tâm hãm hại mình.

Khai thác góc khuất trong bản chất riêng của người đàn bà dù ở bất kỳ thời đại nào, đó là khi cuộc sống đã có sự viên mãn và quyền lực, con người dễ nghĩ đến chuyện trừng phạt kẻ khác. Sân khấu Kịch Hồng Vân sẽ sử dụng thủ pháp kịch kinh dị và phát huy thế mạnh của vũ đạo.

Amélie Niermeyer - nữ đạo diễn người Đức là tác giả có nhiều tác phẩm thành công về đề tài và hình tượng người phụ nữ. Tiếp cận và yêu thích tác phẩm Truyện Kiều từ bản dịch tiếng Đức, bà được kỳ vọng sẽ đưa lên sân khấu đương đại một phiên bản Kiều với những sắc thái mới lạ.

Chưa bao giờ, nhân vật Thúy Kiều lại trở thành đề tài hot như gần đây. Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở “Thân phận nàng Kiều” với một hình hài hoàn toàn khác các vở kịch nói, múa hay tuồng chèo đã dàn dựng bao năm qua. Thúy Kiều và một số nhân vật khác được tạo hình theo lối siêu thực, ước lệ, rất phiêu để chuyển tải những thông điệp của thời đại.

Tháng 6 vừa qua, biên đạo múa Yoo Oh Chum đến từ đất nước Hàn Quốc đã “trình làng” vở múa đương đại “Truyện Kiều” tại TPHCM. Biên đạo múa đã sử dụng tới 3 nàng Kiều thay vì một nàng Kiều xuyên suốt tác phẩm để các nghệ sĩ ballet thể hiện hiệu quả nhất những cao trào xung đột và nội tâm phức tạp.

Nhà hát Thế giới Trẻ phía Nam đang tập vở “Kiếp hồng nhan”, tác giả Lê Chí Trung viết dựa trên Truyện Kiều và dự kiến công diễn vào tháng 8 tới.

Điều đặc biệt của “Kiếp hồng nhan”là tuy kịch bản không làm biến đổi tính cách các nhân vật của “Truyện Kiều” nhưng lại được viết theo kiểu “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên, khai thác thêm cá tính, thế mạnh ngoại hình, kỹ năng diễn xuất… của họ.

Chủ tâm xây dựng tình huống, khai thác tâm trạng, cảm xúc phía sau những câu thơ, vở kịch nhấn mạnh tính đa chiều của các nhân vật biểu tượng như: Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh…

Tháng 10 tới, khán giả TPHCM và Hà Nội sẽ được thưởng thức 4 phiên bản về Kiều từ dự án thể nghiệm của Viện Goethe. Có chung một gốc rễ nhưng với tư duy sáng tạo, quan điểm tiếp cận và các loại hình nghệ thuật đương đại, cùng sự kết hợp trong thiết kế sân khấu, phục trang, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn, nàng Kiều sẽ xuất hiện trước khán giả với nhiều sắc thái và đa diện hơn.

Nguồn cảm hứng bất tận từ Truyện Kiều là minh chứng sinh động cho sức sống trường tồn của một tuyệt phẩm văn học trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.