Kiều hối về Việt Nam từ xuất khẩu lao động đạt 3 - 4 tỷ USD mỗi năm

Các thị trường người lao động có thu nhập cao chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Châu Âu và thị trường Trung Đông...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78.000 người.

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500.000 người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580.000 người.

Cụ thể, Đài Loan có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông – Châu Phi và Châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở các nước khác.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...

Trong đó, phần lớn người lao động đi làm việc ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) là những thị trường có thu nhập khá cao, khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, Châu Phi và Malaysia.

Ông Liêm cho biết, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được các quốc gia tiếp nhận, người sử dụng lao động đánh giá tốt: khéo tay, cần cù, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD.

"Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước, cụ thể là chiếm tỷ lệ khoảng 7 – 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước, mà qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình", ông Liêm nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiên từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau khi về nước.

Về mục tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2021, ông Liêm cho biết do tình hình dịch bệnh hiện nay và nguy cơ tiềm ẩn khoảng hoảng kinh tế, chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến năm 2021 kế hoạch đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định kế hoạch dự kiến khoảng 120 – 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Theo vneconomy.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.