Những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, tại di tích Đền Phú Đa đón rất đông người dân từ các địa phương về chiêm bái, vãn cảnh.
Nằm trên một gò đất cao hình mai rùa với ba mặt là hồ nước bao quanh, ngôi đền với gần 300 năm tuổi vẫn đứng vững trước bao biến thiên của lịch sử.
Đền Đá xã Phú Đa nằm cạnh triền đê sông Hồng với ba mặt là hồ nước bao quanh. |
Đã nhiều năm nay, vào dịp Tết Nguyên Đán vợ chồng anh Trần Trường Thao trú ở xã Phú Đa đều tới Đền Đá để lễ cầu an và mong một năm mới vạn sự hanh thông, gia đình thêm hạnh phúc.
Anh Thao cho rằng, không phải đi lễ ở đền to chùa lớn mới thiêng mà chỉ cần mình nhất tâm và cố gắng thì thành quả sẽ đến.
Vợ chồng anh Trần Trường Thao thường xuyên đến Đền Đá Phú Đa để cầu an. |
Theo tìm hiểu, Đền Phú Đa trước kia thuộc xã Phú Hoa, tổng Tang Trác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây; nay là xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền có tên gọi khác là Đền Đá hay Đền Quan Thị, được xây dựng trong giai đoạn từ 1740 - 1786 bằng đá xanh và gỗ lim.
Đây vốn là một ngôi sinh từ - tức lập đền thờ khi đang còn sống của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường (có tài liệu chép là Nguyễn Danh Thưởng), một danh tướng có công với triều đình dưới thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng cuối thế kỷ XVIII.
Ông Nguyễn Danh Nhân - thủ từ Đền Phú Đa giới thiệu về ý nghĩa của 1 trong các tấm bia đá đặt tại đây. |
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Danh Nhân - người trực tiếp trông coi ngôi đền cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 13 của danh tướng Nguyễn Danh Thường. Không chỉ là người dân địa phương, vào các ngày lễ Tết cũng có nhiều khách thập phương đến Đền Phú Đa cầu tài, cầu an, cầu duyên và cầu tự.
Đền có kiến trúc hình chữ tam gồm cổng đền, đại bái và hậu cung nằm song song. Tất cả các chi tiết từ bậc thềm, tượng lính canh, voi, ngựa, văn bia, sập thờ... đều được làm từ đá có nguồn gốc ở Thanh Hóa. Lịch sử Đền Phú Đa gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Danh Thường.
Hai trụ đá ở trước cổng đền vẫn sừng sững cùng thời gian. |
Tương truyền, Nguyễn Danh Thường sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng khôi ngô, có tư chất hơn người nên được một vị quan trong triều đình Lê - Trịnh nhận làm con nuôi. Sau khi được cha nuôi đưa về kinh thành Thăng Long cho ăn học cùng con nhà quyền quý, cậu bé ngày càng học hành giỏi giang, kiêm tài văn võ và đỗ Tiến sĩ.
Sau đó, Nguyễn Danh Thường được triều đình Lê - Trịnh cử đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa và giành chiến thắng. Về triều, ông đã được phong đến tước Thái Bảo Lãng Phương Hầu, Tham mưu quân Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thành, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên.
Tượng chó đá và lính canh ở hai bên Cổng đền vẫn còn khá nguyên vẹn. |
Hai bên tả hữu sân Đền là hàng tượng lính canh, voi đá, ngựa đá với các chi tiết tạo hình sống động thể hiện tài năng của nghệ nhân xưa. |
Gian đại bái ở Đền Phú Đa có nền và nhiều chi tiết làm bằng đá thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân xưa. |
Sập đá, ban thờ bằng đá trong hậu cung của Đền Đá. |
Hai vị quan văn ngồi hai bên trước cửa chính của hậu cung với thần thái sống động. |
Trong hậu cung có 5 ngai thờ chia làm hai hàng, hàng đầu là ngai thờ bằng đá của cụ Nguyễn Danh Thường. |
Các cột gỗ lim trong đền vẫn vô cùng vững chãi trong gần 300 năm qua. |
Các cấu kiện gỗ như xà, kẻ hiên hay y môn, cửa võng đều được người xưa bào trơn, đóng bén, soi gờ kẻ chỉ và tạo hình sống động. |
Đá được vận chuyển từ Thanh Hóa ra để xây móng và tường cho ngôi đền. |
"Dù không có con, cụ Nguyễn Danh Thường vẫn luôn thương dân và chăm lo giáo dục đạo lý nhớ ơn tổ tiên bằng việc tự bỏ tiền của ra để xây dựng ngôi sinh từ này. Trong đền có 10 tấm bia đá khắc bằng chữ nôm, nội dung mang hàm ý răn dạy thế hệ sau về đạo đức, lối sống cũng như các ngày giỗ kỵ cùng hương ước của làng xã để nhân dân làm theo. Đền đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990. Sắp tới đền sẽ được đầu tư mở rộng thêm một số hạng mục để phát huy hơn nữa những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa" - ông Nguyễn Danh Nhân chia sẻ.