Thời tiết giao mùa, nhiệt độ độ ẩm thay đổi là điều kiện tốt cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và phát tán nhanh chóng. Trẻ nhỏ chính là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch còn non yếu, sức đề kháng trong cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Việc phòng bệnh và chữa bệnh cho trẻ nhỏ vô cùng quan trọng, thế nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ đã vội vàng, thậm chí lạm dụng các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc có chứa hoạt chất steroid mỗi khi con có biểu hiện ốm mệt. Đây chưa hẳn là cách hay và hiệu quả, đặc biệt khi trẻ đang trong giai đoạn phát triển, việc lạm dụng thuốc của cha mẹ có thể gây ra các tác dụng xấu cho trẻ.
Thời tiết chuyển mùa khiến trẻ dễ mắc bệnh, lạm dụng thuốc có thể gây ra các tác động xấu cho sức khỏe của trẻ (Ảnh minh họa)
Sara Ahmed - bà mẹ người Mỹ gốc Hồi giáo, có hai cậu con trai đều mắc chứng hen suyễn đã chia sẻ kinh nghiệm chăm con bằng cách hạn chế tối đa việc dùng thuốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các mẹ bỉm sữa. Bởi chủ đề phòng và chữa bệnh cho trẻ trong mùa lạnh đã đánh trúng tâm lý mong con mau khỏi bệnh và ưa dùng kháng sinh cho trẻ của phần lớn các gia đình có con nhỏ. Người mẹ này cho biết cả hai con trai của chị đều bị hen suyễn và phải dùng thuốc chứa steroid có tác dụng giúp chặn đứng cơn viêm và làm giảm tác động xấu đến hệ miễn dịch nhưng cũng đi kèm không ít tác dụng phụ. Căn bệnh hen suyễn cũng khiến con chị phải nhập viện trong đêm nhiều lần, mỗi lần con khò khè khó thở rất vất vả.
Ho hen khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và quấy khóc (Ảnh minh họa)
Chị cho biết: "Các loại thuốc kháng sinh nếu lạm dụng có thể khiến cơ thể trẻ xảy ra tình trạng kháng kháng sinh vô cùng nguy hiểm, thuốc steroid thì có tác dụng phụ khiến trẻ hung hăng và thay đổi tâm tính, các loại si-rô ho tự mua ngoài cửa hàng không cần kê đơn cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng tới hệ hô hấp của trẻ. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng tìm cách để phòng và chữa cho con từ các biện pháp tự nhiên. Tôi không nói là các bậc cha mẹ phải tuyệt đối tránh xa thuốc cho con, nhưng xin đừng vội vàng và quá lạm dụng chúng".
Người mẹ này cũng không ngần ngại khi chia sẻ tình trạng hen của các con: "Hai con thường bị lên cơn hen sau mỗi lần bị nhiễm lạnh dù chỉ là nhẹ. Và tôi bắt đầu lên kế hoạch phòng bệnh cho các con ngay từ những hoạt động, thói quen sinh hoạt hàng ngày". Đây là những biện pháp mà người mẹ này đã và đang thực hiện để tăng cường hệ miễn dịch cho các con:
- Vệ sinh mũi hàng ngày: Mỗi tối trước khi đi ngủ, thực hiện vệ sinh, rửa mũi. Cách này không chỉ giúp làm sạch mũi, tẩy sạch vi khuẩn mà còn là cách để nói không với các loại thuốc sau này.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và là chất chống oxi hóa hiệu quả.
- Mật ong: Mật ong có nồng độ methylgloxal cao, đây là một nhân tố kháng khuẩn được tìm thấy trong mật ong. Mỗi ngày cho trẻ uống 1 thìa cà phê nhỏ mật ong để phòng bệnh.
- Bổ sung nghệ vào thực đơn: Nghệ là một loại gia vị khá phổ biến ở Châu Á, có đặc tính chống viêm. Nghệ cũng chứa vitamin B6, giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Bổ sung thêm chút nghệ vào thực đơn của trẻ.
Hướng dẫn rửa mũi cho trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa)
Sau khi áp dụng những cách phòng bệnh này, người mẹ cho biết hai cậu con trai vẫn thỉnh thoảng bị ốm, nhưng tần suất và mức độ bệnh đã không còn nặng nề như trước. Và mỗi khi con ốm, thay vì điều trị bằng các loại thuốc nặng, chị đã cho con dùng các loại thuốc thảo dược từ thiên nhiên như:
- Si-rô thảo dược từ quả anh đào đen: Loại thảo dược này được biết đến với đặc tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch, giúp giảm viêm. Si-rô thảo dược là giải pháp thay thế tuyệt vời cho các loại thuốc ho hoặc thuốc chống dị ứng. Cho trẻ uống một thìa cà phê trước khi đi ngủ trong mùa cúm cao điểm.
- Gel xoa bóp từ tinh dầu khuynh diệp: Dùng gel xoa vào ngực trẻ mỗi khi bé bắt đầu ho hoặc nghẹt mũi.
- Sử dụng tinh dầu: Tinh dầu giúp trẻ dễ thở và ngủ ngon, sâu giấc hơn, xoa dịu cơn đau.
- Viên ngậm ho: Viên ngậm có thành phần từ mật ong, vị trái cây nên không làm trẻ sợ, có tác dụng làm dịu cơn ngứa rát cổ họng và giúp bé dễ thở hơn.
- Dấm táo: Trẻ sốt nhẹ, có thể hạ sốt bằng cách thêm 1 chút dấm táo vào khăn ấm và đắp lên trán của trẻ.
Cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bài thuốc thảo dược tự nhiên với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Bằng những cách làm này, bà mẹ đã phần nào ngăn chặn và hạn chế được bệnh hen và ốm vặt của các con mình. Các gia đình có con nhỏ đều có thể tự phòng bệnh cho trẻ, mỗi khi trẻ ốm có thể dùng các liệu pháp tự nhiên và thuốc thảo dược cho bé dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Mục đích cuối cùng vẫn là tăng cường hệ miễn dịch và giảm tần suất, mức độ ốm bệnh cho trẻ trong mùa lạnh này.