Kiến tạo không gian phát triển

GD&TĐ - Tuần đầu tiên của năm 2023, Quốc hội sẽ họp bất thường lần 2 để xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đáng chú ý trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Có thể nói việc lập và xem xét thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của đất nước.

Bởi lẽ, trong Hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là căn cứ và cơ sở để triển khai các nhiệm vụ lớn như: Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia; Lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học... xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7%/năm, giai đoạn 2031 – 2050 đạt 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 7.500 USD; đến năm 2050 đạt 27.000 - 32.000 USD.

Trong thời kỳ quy hoạch sẽ tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ chính. Một là, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Ba là, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Bốn là, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vàng đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng...

Có thể thấy, việc xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn rất khó bởi đây là vấn đề rộng lớn, rất mới, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Điều này đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến hoàn thiện Quy hoạch với chất lượng cao nhất, kiến tạo không gian phát triển và sớm đưa đất nước đến với thịnh vượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ