Khắc phục mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành
Nhiều ý kiến ĐBQH nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: Tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình), cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ý kiến: Quy định quy hoạch được tạo lập theo thứ tự từ trên xuống dưới nếu được thực hiện sẽ tạo thành sự thống nhất trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá, tạo cho đất nước một bộ mặt khang trang, đồng bộ.
Để làm được điều này, cần bảo đảm nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới, đặc biệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch gốc phải được làm trước, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan quản trị quốc gia đối với tương lai phát triển của đất nước, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Đại biểu Tiến nhấn mạnh: Cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương và ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia.
Cần dự báo quy hoạch hàng năm
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) góp ý về vấn đề dự báo trong quy hoạch: Để thực hiện quy hoạch cần lập kế hoạch. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định về vấn đề dự báo trong kế hoạch thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần phải có hoạt động dự báo hàng năm.
Về phản biện trong lập quy hoạch, theo đại biểu Thắng, mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh quy hoạch, trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định rồi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đều phải lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) góp ý, một số quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa hơn, tránh lãng phí, phá hủy không gian, có thể ảnh hưởng đến các giai đoạn sau. Có ĐBQH nêu ý kiến cần tính toán đến tác hại biến đổi khí hậu khi xây dựng quy hoạch.