Theo Kỷ yếu Hội thảo về Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo của Bộ GD&ĐT (2021), tỷ lệ giảng viên nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 1,33% tổng số giảng viên.
Tỷ lệ này còn cao hơn trong những năm gần đây, nhất là ở một số trường định hướng chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng chuẩn quốc tế hoặc nhập khẩu 100%. Chẳng hạn như Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), tỷ lệ giảng viên nước ngoài đạt khoảng 2,63% và dự kiến tăng trong thời gian tới; Chương trình tài năng Trường ĐH Gia Định đạt khoảng 10%; Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Ban Quản lý, giảng viên đại học - cao học, giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Fulbright Việt Nam đạt gần 50%…
Đội ngũ giảng viên nước ngoài chất lượng cao góp phần nâng cao uy tín của trường đại học, giúp thu hút nhiều sinh viên tài năng. Việc sử dụng đội ngũ này còn thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và tiên tiến cho cán bộ, giảng viên nhà trường, từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng đòi hỏi về sự phát triển của khoa học công nghệ. Số lượng giảng viên nước ngoài còn là chỉ số quan trọng trong thang đánh giá mức độ hội nhập cũng như thứ hạng các trường theo chuẩn quốc tế.
Hiện nhiều trường đại học muốn tăng số lượng giảng viên nước ngoài nhưng trên thực tế việc thu hút và tuyển dụng không hề đơn giản. Các trường gặp nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục xin chỉ tiêu lao động người nước ngoài, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, giấy xác nhận kinh nghiệm của mỗi quốc gia lại có quy định khác nhau, việc giải trình lý do vì sao không sử dụng giảng viên trong nước khá phức tạp…
Với các trường công lập, tình hình càng khó khăn hơn khi phải xây dựng đề án vị trí việc làm và phải chứng minh vị trí này người Việt không làm được hoặc chưa có. Nghị định 111/2022/NĐ-CP là căn cứ ký hợp đồng nhưng các văn bản quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương chỉ áp dụng cho đối tượng viên chức là công dân Việt Nam, không thể áp dụng toàn bộ đối với GV nước ngoài.
Không chỉ thủ tục tuyển dụng khó khăn, chính sách thu hút giảng viên nước ngoài cũng chưa thực sự hấp dẫn. Mức chi trả thu nhập cho giảng viên còn khiêm tốn bởi nguồn lực tài chính của các trường hạn chế. Giảng viên nước ngoài cũng chưa được hưởng đầy đủ về phúc lợi hay hỗ trợ từ trường đại học.
Kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Nhài (Trường ĐH Hà Nội) và cộng sự cho thấy chỉ có 40% giảng viên nước ngoài nhận được hỗ trợ từ cơ sở giáo dục đại học trong giải quyết thủ tục hành chính, có 30% nhận được phúc lợi về điều kiện làm việc, 23% nhận phúc lợi về điều kiện sinh hoạt và 21% được phúc lợi về đời sống tinh thần.
Cũng theo nghiên cứu này, chỉ có 5% giảng viên nước ngoài nhận được phúc lợi về chăm sóc y tế, 10% nhận được sự hỗ trợ trong việc học tiếng Việt, 10% được hỗ trợ trong việc thích nghi với môi trường làm việc tại Việt Nam và chỉ có 3% được hỗ trợ trong việc tìm việc làm hay trường học cho con cái.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhà giáo, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà giáo, nhà khoa học là người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật với cơ sở giáo dục Việt Nam là những nội dung quan trọng được đưa vào Dự thảo Luật Nhà giáo.
Điều này cho thấy từ cấp vĩ mô chúng ta đã coi trọng vai trò của giảng viên nước ngoài trong việc đóng góp vào sự nghiệp GD&ĐT nước nhà. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, cùng với việc kiến tạo chính sách, cơ chế phù hợp với giảng viên nước ngoài, các trường đại học sẽ thuận lợi hơn trong việc tập hợp thêm nhân sự có trình độ cao, góp phần thực hiện tốt công cuộc đổi mới GD&ĐT và hội nhập quốc tế.