Thi tuyển chỉ để... hợp thức hóa
Việc tuyển dụng công chức được quy định khá chặt chẽ trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, thế nhưng, khi các cơ quan chức năng "sờ" đến thì thấy nhiều vi phạm... Có khi tổ chức thi tuyển công chức chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa cho những người đã được "chấm" từ trước.
Những "hạn chế, sai sót" ở các kỳ thi tuyển công chức tại các địa phương mà Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra, được những người làm công tác tổ chức coi là những dấu hiệu rõ ràng của việc "thi chỉ để hợp thức hóa", bởi những nguyên tắc cơ bản của kỳ thi đã bị vi phạm nghiêm trọng.
Tại kỳ thi tuyển công chức năm 2014 của tỉnh Tiền Giang, Hội đồng tuyển dụng công chức vẫn cho bổ sung hồ sơ dự thi khi thời hạn nhận hồ sơ đã hết. Câu hỏi môn thi viết chuyên ngành lại không có nội dung, kiến thức về chuyên ngành đó; thậm chí, một số đề thi chuyên ngành của khối thi khác nhau nhưng lại giống nhau.
Giám khảo không chấm theo thang điểm chi tiết; bảng tổng hợp điểm thi môn kiến thức sửa đổi số điểm nhưng không có chữ ký của hai giám khảo. Một số bài thi có điểm chấm của hai giám khảo chênh lệch hơn 10% nhưng không chấm lại theo quy định...
Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2014 của tỉnh Bến Tre, đáp án thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành không có thang điểm chi tiết, kết quả chấm các bài thi không thể hiện hai giám khảo chấm thi độc lập, khiến người ta dễ dàng nâng điểm cho thí sinh để từ trượt thành đỗ!
Có trường hợp một bài thi nghiệp vụ chuyên ngành (thi trắc nghiệm) được người chấm nâng 5 điểm để từ trượt thành đỗ (bài thi 47,5 điểm chấm thành 52,5 điểm) vì theo quy định về thi tuyển công chức, người trúng tuyển phải có đủ các bài thi và điểm mỗi bài thi phải hơn 50.
Tại kỳ thi tuyển công chức năm 2015 của tỉnh Lai Châu, Hội đồng tuyển dụng đã thực hiện sai quy định, cho phép 15 thí sinh được miễn thi các môn kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học, trong đó có tám thí sinh trúng tuyển.
Còn ở kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2015 của tỉnh Yên Bái, Hội đồng tuyển dụng không quyết định thành lập Ban đề thi, không xây dựng đề thi riêng cho các thí sinh dự thi yêu cầu trình độ cao đẳng; chấm điểm một số bài thi rộng hơn so với đáp án, thang điểm. Nhưng lại có trường hợp chấm giảm điểm để đánh trượt thí sinh như ở bài thi môn tiếng Anh của thí sinh Hà Thị Lan Hương (số báo danh 333), khiến thí sinh này không trúng tuyển công chức vào Sở Y tế.
Ðể giải quyết hậu quả những hạn chế, sai sót trong thi tuyển công chức nêu trên, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị thu hồi quyết định tuyển dụng đối với trường hợp được chấm nâng điểm ở tỉnh Bến Tre; thu hồi quyết định tuyển dụng đối với tám trường hợp không đủ bài thi theo quy định ở tỉnh Lai Châu; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xem xét lại điểm bài thi, phê duyệt bổ sung kết quả trúng tuyển vào Sở Y tế đối với thí sinh Hà Thị Lan Hương.
Nhiều sai sót trong xét tuyển, bổ nhiệm công chức
Theo các kết luận thanh tra, việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển ở các địa phương còn nhiều sai phạm. Dường như các địa phương "quên" các quy định chặt chẽ trong các nghị định của Chính phủ về các đối tượng đặc biệt, đặc cách vào công chức mà không phải thi tuyển.
Ðiển hình trong sai phạm nêu trên là ở tỉnh Gia Lai. Giai đoạn 2014-2016, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để thực hiện xét tuyển (không qua thi tuyển) đối với các trường hợp đặc biệt, thế nhưng không có tài liệu thể hiện việc Hội đồng đã tiến hành sát hạch trình độ, năng lực các trường hợp được tuyển dụng.
Có ba trường hợp được tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển nhưng chưa đủ 5 năm làm công việc có trình độ đại học theo yêu cầu; một trường hợp tuyển dụng theo chế độ cử tuyển nhưng không thực hiện quy trình xét tuyển; 13 trường hợp tuyển dụng vào công chức theo chính sách thu hút của tỉnh nhưng không đúng đối tượng theo quy định. Tỉnh Lai Châu có quyết định tuyển dụng vào công chức 19 trường hợp theo hệ cử tuyển, thời điểm tuyển dụng sau ngày 6-7-2015, nhưng không thực hiện xét tuyển theo quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ.
Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị hai tỉnh Giai Lai và Lai Châu thu hồi các quyết định tuyển dụng công chức đối với các trường hợp tuyển dụng sai quy định và 19 trường hợp cử tuyển vào công chức không đúng quy định nêu trên.
Cũng giai đoạn này, tỉnh Sóc Trăng điều động, bổ nhiệm bốn cán bộ, công chức cấp xã làm lãnh đạo, quản lý tại các phòng chuyên môn thuộc UBND thị xã Vĩnh Châu nhưng không thực hiện trình tự xét chuyển từ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện.
Tỉnh cũng tuyển dụng hai người vào công chức không đúng quy định, đối tượng về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ nguồn Ðề án đào tạo cán bộ sau đại học của tỉnh. Sau khi bị thanh tra, ngày 10-5-2017, UBND thị xã Vĩnh Châu ra quyết định thu hồi quyết định điều động, bổ nhiệm đối với cả bốn trường hợp; ngày 26-5-2017, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi quyết định tuyển dụng vào công chức đối với hai trường hợp này.
Trong bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, các kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm chung của các tỉnh là: bổ nhiệm công chức lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Tỉnh Sóc Trăng, có 108 trong số 550 hồ sơ (chiếm gần 20%) khi bổ nhiệm không đáp ứng một hoặc một số tiêu chuẩn, điều kiện (về trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ). Tỉnh Gia Lai, có 97 trong số 387 lượt bổ nhiệm không có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 67 trong số 435 lượt chưa đáp ứng về trình độ quản lý nhà nước, 54 trong số 435 lượt chưa đáp ứng về trình độ ngoại ngữ, 45 trong số 435 lượt chưa đáp ứng về trình độ tin học; 11 trường hợp không có trình độ đại học về chuyên môn vẫn được bổ nhiệm.
Tỉnh Tiền Giang có bốn trường hợp được bổ nhiệm làm công chức lãnh đạo, quản lý mà không có trình độ đại học theo quy định. Tỉnh Bến Tre có 54 trong số 243 trường hợp chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học. Thậm chí, có cả việc bổ nhiệm một phó giám đốc Sở Y tế khi chưa thực hiện các quy trình xét chuyển người này từ viên chức thành công chức.
Trước thực trạng nêu trên, khi toàn Ðảng đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, lãnh đạo các địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý.
Trước mắt, miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với các công chức không đáp ứng trình độ đại học về chuyên môn; miễn nhiệm đối với các trường hợp không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh được bổ nhiệm; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng không qua thi tuyển và xét tuyển sai đối tượng cử tuyển.
Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng yêu cầu kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận...
Bởi vậy, cùng với việc chấn chỉnh công tác cán bộ, nhất là quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, cần mở rộng quyền giám sát của đảng viên, nhân dân đối với công tác này, kịp thời phát hiện trường hợp làm sai quy định, lách luật, ngăn chặn việc làm sai trái trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức.
Ðồng thời kiên quyết xử lý những người có thẩm quyền liên quan đến các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, kiên quyết đấu tranh chống nhóm lợi ích, chống việc thao túng trong công tác cán bộ.