Vừa qua, trong bài phát biểu trước Đại hội Đảng Cộng sản XX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi chính sách “Zero Covid” là “một cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện”, nhằm bảo vệ mọi người “ở mức độ cao nhất có thể”.
Không thể phủ nhận sự hiệu quả của chính sách “Zero Covid”, khi từ năm 2020 tới nay, Trung Quốc mới chỉ ghi nhận hơn 5.200 ca tử vong. Tuy nhiên, mặt khác, chính sách này lại đang ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động kinh doanh.
Quốc gia này đã và đang áp dụng nhiều hạn chế, bao gồm phong tỏa nhiều khu vực khi phát hiện ca mắc mới, khuyến khích người dân ở lại thành phố trong dịp lễ Quốc khánh. Đồng thời, yêu cầu hành khách đi máy bay, tàu hỏa, xe buýt liên tỉnh xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 ở người cao tuổi tương đối thấp, dịch vụ y tế ở vùng nông thôn chưa đầy đủ. Đó là những yếu tố gây trở ngại cho việc nới lỏng hạn chế.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thực tế là Trung Quốc không thể duy trì biện pháp này một cách vô thời hạn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng. Có thể nói, Trung Quốc đã lùi bước so với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc đạt mức cao nhất là 6% vào đầu năm nay. Tuy nhiên, số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp vào giữa năm đã lên một mức cao kỷ lục. Cụ thể, cứ 5 người trẻ thì có 1 người không tìm được việc làm.
Trung Quốc được coi là một nền kinh tế quen với mức tăng trưởng từ 5% - 10% trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới đã dự báo tốc độ tăng trưởng hằng năm của đất nước trong năm nay là dưới 3%. Đây là một mức thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân phần lớn là do biện pháp “Zero Covid” nghiêm ngặt.
Nhiều ý kiến cho rằng, cho đến khi Trung Quốc học cách sống chung với virus như hầu hết các quốc gia đã làm, thì tình trạng đóng cửa và nỗi đau kinh tế tại quốc gia này vẫn sẽ tiếp tục. Thực tế, Trung Quốc là quốc gia đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm và tái mắc Covid-19.
Việc thoát khỏi biện pháp “Zero Covid” có thể không cần được đưa ra đột ngột. Thay vào đó, quốc gia này có thể dần nới lỏng các hạn chế đi lại. Sau đó, có thể đưa ra một mô hình thí điểm để thay thế biện pháp “Zero Covid” vào năm 2023 hoặc thậm chí là cuối năm nay.
Ông Tôn Nghiệp Lễ - người phát ngôn Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết: “Nếu xét theo số liệu thống kê thì biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đang là kinh tế và hiệu quả nhất. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường mức độ phối hợp phòng, chống dịch và kinh tế đất nước. Các biện pháp của chúng ta sẽ trở nên khoa học, chính xác và hiệu quả hơn, hướng tới sự phát triển của xã hội”. Ông Tôn Nghiệp Lễ cũng khẳng định, chính sách chống dịch mà Trung Quốc theo đuổi là đúng đắn.