Chuyện quản lý tiền nong, kinh tế trong gia đình, nói nhỏ mà không hề đơn giản chút nào. Các bà vợ hay đa nghi, thường nghĩ đàn ông cầm tiền trong người dễ sinh tật nên họ tìm mọi cách để kiểm soát không cho chồng cầm tiền dư trong người. Thế nhưng điều gì cũng nên có giới hạn của nó, nếu không có thể khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.
Cô vợ tên Xuân (31 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình cô liên quan đến chuyện quản lý tiền của chồng như sau:
“Chồng tôi là một người đàn ông khá tốt. Tất nhiên chẳng có ai hoàn hảo, anh ấy cũng có những tật xấu của mình song nhìn chung anh là người có trách nhiệm với gia đình, vợ con.
Lương của chồng tôi được 15 triệu, tôi giữ thẻ lương của chồng, hàng tháng sẽ phát cho chồng 1,5 triệu nhưng chia làm 3 đợt. Tôi tính sơ sơ ăn sáng 20 nghìn/ngày nhân lên là 600 nghìn. Chỗ làm của anh không quá xa vì thế số tiền còn lại cũng thoải mái để đổ xăng và thuốc nước.
Nếu cần tiêu khoản gì phát sinh, chồng sẽ giải trình cụ thể và tôi lại xuất quỹ. Tôi làm vậy thì thấy bây giờ ngoại tình nhan nhản, đàn ông cầm tiền trong người quá dễ sinh tật.
Mọi chuyện cứ êm ả trôi qua như thế, đến giờ chúng tôi đã cưới nhau được 3 năm và có một bé gái gần 2 tuổi. Cuối tuần vừa rồi hai vợ chồng được nghỉ làm, nhà hết đồ ăn nên chồng tôi chạy ra đầu ngõ mua tạm gói mì tôm để ăn sáng. Tôi và con vẫn ngủ say trong giường.
Ai ngờ anh vừa chạy đi một lát đã hộc tốc quay về. Mì tôm chẳng thấy đâu mà chồng lại sừng sộ gọi tôi dậy rồi nằng nặc đòi ly hôn. Tôi choáng váng không thể tin nổi. Lúc ngủ dậy anh vẫn bình thường chẳng có dấu hiệu lạ kỳ nào. Sao vừa chạy ra ngoài chưa nổi 10 phút mà về nhà anh ấy đã muốn bỏ vợ?
Tôi tức giận hỏi chồng lý do tại sao thì anh ấy quăng chiếc ví rỗng tuếch ra giữa nhà rồi gào lên: ‘Tôi hết chịu nổi cái tính khó ưa đó của cô rồi! Cô có biết đã bao nhiêu lần tôi phải muối mặt với mọi người rồi không? Lần này chẳng khác gì giọt nước tràn ly, tôi sẽ không chịu đựng thêm nữa đâu!’.
Tôi sững sờ nhìn chiếc ví của chồng, mới nhớ ra hôm qua tôi kiểm tra ví anh thấy có một tờ 500 nghìn mới cứng nên cất đi ngay. Lúc đó trong ví chồng còn đâu hơn 100 nghìn tiền lẻ, tôi tiện tay lấy nốt. Nghĩ bụng 2 ngày cuối tuần anh ấy ở nhà không tiêu gì, thứ hai là lịch tôi phát tiền cho chồng nên tôi mới tịch thu sạch sẽ tiền thừa trong ví anh. Sau đó tôi mới biết 500 nghìn kia là một người bạn mới trả anh ấy, do trước vay nợ.
Sáng ra đi mua mì tôm, anh phải muối mặt với chị bán hàng vì mở ví ra thì chẳng có nổi một nghìn lẻ. Thú thật đó không phải lần đầu tiên chồng tôi gặp phải tình cảnh tương tự nên anh ấy mới giận dữ như thế. Nhưng để đến mức đòi ly hôn thì vẫn khiến tôi vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Tôi chặt chẽ với anh ấy cũng là muốn giữ gìn cho gia đình.
Sau đó dù chồng tôi không viết đơn nhưng anh ấy cũng giận dỗi không thèm nói chuyện với vợ nữa. Vợ chồng tôi đến với nhau bằng một tình yêu đẹp, hứa hẹn sẽ cùng nhau vun đắp một tổ ấm thật hạnh phúc. Hai từ ly hôn chồng thốt ra khiến tôi thật sự không thể tưởng tượng nổi. Nhưng qua đó tôi mới nhận ra mình đã thật sự sai lầm.
Muốn giữ được trái tim chồng đâu thể chỉ bằng việc giữ cho chiếc ví của anh ấy luôn cạn sạch tiền? Sợ rằng chẳng giữ nổi chồng mà còn mất luôn chồng vì khiến anh ấy cảm thấy quá bí bách và khó chịu ấy chứ.
Tôi cũng nhận ra bản thân mình sao mà khác quá. Trước đây tôi đâu phải người như vậy? Tôi từng tự tin, vui tươi và phóng khoáng bao nhiêu. Bây giờ, vì những nhọc nhằn của hôn nhân, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền và vì những nỗi lo sợ mơ hồ đã khiến tôi tự biến bản thân mình trở nên thật xấu xí, khó ưa. Tôi phải thay đổi chính mình thôi…”.
Xuân kể sau đó cô lập tức chủ động xin lỗi chồng và đã nhận được sự tha thứ của anh. Chuyện tiền nong sau đó hai người đồng thời thống nhất lại để đôi bên đều thoải mái và vui vẻ. Cũng từ đó vợ chồng Xuân không còn bất cứ lần nào phải cãi nhau về chuyện tiền bạc nữa.
Hôn nhân quả thực có vô số vấn đề rắc rối yêu cầu vợ chồng cần tìm ra tiếng nói chung. Mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách thức giải quyết mâu thuẫn và quản lý hôn nhân khác nhau. Nhưng chắc chắn tiền đề tiên quyết là đôi bên đều phải tự nguyện và thoải mái, có như vậy thì “trật tự” ấy mới có thể duy trì được lâu dài.