Cụ thể, trong văn bản này, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là công tác quản lý cấp phép thành lập đảm bảo đúng quy định;
Giám sát hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và vi phạm các quy định về an toàn trường học.
Các cơ sở giáo dục mầm non cần trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết theo đúng quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và tổ chức thực hiện đúng các nội quy, quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú cần thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở GD&ĐT đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tình thương yêu đối với trẻ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.
Có biện pháp phòng ngừa, ngặn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm đển thân thể, sức khỏe và tinh thần của trẻ. Kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm về đạo đức nhà giáo. Nghiêm túc thực hiện việc đánh giá đội ngũ giáo viên mầm non theo chuẩn nghề nghiệp.
Phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình trong việc theo dõi, chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là những trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp.