Kiến nghị trước phiên xử vụ 'xẻ thịt' tàu bán sắt vụn ở Hải Phòng

GD&TĐ - Ngày 29/5 tới đây, TAND TP Hải Phòng sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 liên quan đến vụ “xẻ thịt” tàu Chung Chinh bán sắt vụn.

Tàu Chung Chinh có liên quan đến vụ án.
Tàu Chung Chinh có liên quan đến vụ án.

Ấn định ngày xử sơ thẩm lần 2

Trong vụ án này, ông Đỗ Bá Khang (SN 1977, trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) bị Viện KSND TP Hải Phòng truy tố về tội Buôn lậu với khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù theo quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa theo dự kiến được diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm phán Lê Anh Sơn. Có 3 luật sư sẽ tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Trong đó, bị cáo Đỗ Bá Khang có 2 luật sư bào chữa là ông Lê Hồng Huấn (Văn phòng Luật sư Thống Nhất, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và ông Nguyễn Hữu Quý (Công ty Luật TNHH MTV Gia Vũ, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh).

Trước đó, tại phiên xử diễn ra vào hồi tháng 2/2023, HĐXX TAND TP Hải Phòng đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ vai trò của những người đã mua tàu Chung Chinh rồi đem “xẻ thịt” bán sắt vụn. Những người này có đại diện là ông Nguyễn Văn Soái (SN 1978, trú tại An Dương, Hải Phòng).

HĐXX lập luận, nếu trong trường hợp những người này biết tàu Chung Chinh không thực hiện thủ tục nhập khẩu mà vẫn mua con tàu để phá dỡ thì phải bị khởi tố điều tra về tội Buôn lậu với vai trò giúp sức.

Trường hợp những người này không biết việc tàu Chung Chinh không thực hiện thủ tục nhập khẩu thì phải xem xét trách nhiệm về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng đề nghị làm rõ số tiền thu lợi bất chính của bị có Đỗ Bá Khang. Cụ thể, HĐXX cho rằng cần làm rõ bị cáo Khang đã thu lợi bao nhiêu tiền, đã tiêu vào việc gì hay đang để ở đâu? HĐXX cho rằng không thể làm rõ được nội dung trên ngay tại phiên tòa nên đã yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cần làm rõ vai trò của người mua và phá dỡ tàu

Đánh giá về quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung của HĐXX TAND TP Hải Phòng, luật sư Lê Hồng Huấn nhận định đây là một quyết định đúng đắn. Luật sư Huấn cho rằng, trong vụ án, vai trò của những người mua, phá dỡ tàu là rất quan trọng nhưng trong quá trình điều tra chưa được làm rõ.

Cụ thể, ông Huấn cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vụ án chính là việc Nguyễn Văn Soái thực hiện hoạt động phá dỡ tàu Chung Chinh mà không làm các thủ tục pháp lý liên quan. Tuy nhiên khi thực hành quyền công tố đại diện Viện Kiểm sát cho rằng ông Soái được bị can Khang cam kết là tàu Chung Chinh thuộc quyền sở hữu hợp pháp. Nên không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Soái.

“Tôi nhận thấy có dấu hiệu không đúng sự thật. Cụ thể, tại Điều 6 văn bản thỏa thuận mua bán tàu số 03-2021/TTMB/KV lập ngày 15/10/2021 giữa bên bán là Công ty Khang Vinh (đại diện là ông Đỗ Bá Khang) và bên mua (đại diện là ông Nguyễn Văn Soái) thể hiện rõ việc ông Nguyễn Văn Soái được cho biết Công ty Khang Vinh có những giấy tờ pháp lý về con tàu Chung Chinh.

Đáng chú ý, tại Điều 13 của văn bản này ghi rõ: “Bên mua cam kết tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý của tàu theo đúng mục đích sử dụng và theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành”. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Soái khi mua con tàu này. Tôi tự hỏi, trước khi mua tàu, ông Soái có buộc phải biết các thủ tục pháp lý về việc mua tàu để phá dỡ không?”, luật sư Huấn phân tích.

Cũng theo ông Huấn, theo kết luận điều tra và cáo trạng truy tố, cả 2 cơ quan tố tụng chỉ dựa vào lời khai của ông Soái mà không dựa vào các tài liệu liên quan để kết luận trong vụ án là không đúng sự thật. Từ đó, ông Huấn cho rằng các cơ quan tố tụng đang có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với ông Soái.

Bên cạnh đồng tình với quyết định trả hồ sơ của HĐXX, luật sư Lê Hồng Huấn cũng cho rằng cơ quan điều tra cần xem xét vai trò của ông Nguyễn Công Tuấn (SN 1983, trú tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và 2 cá nhân khác là Nguyễn Thị Thủy (SN 1972) và Tạ Thành Yên (SN 1979, cùng trú tại phường Ka Long, TP Móng Cái, Quảng Ninh).

Về vai trò của ông Nguyễn Công Tuấn, luật sư Huấn cho biết, trước khi giao dịch mua bán tàu, Công ty Khang Vinh đã bổ nhiệm ông Nguyễn Công Tuấn làm phó giám đốc đại diện tham gia thương lượng, đàm phán và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.

“Vì là người biết tiếng Trung và am hiểu giao dịch nên ông Tuấn đã liên hệ trực tiếp với đại diện Công ty YI CHING YANG CO.LTD thương lượng, đàm phán và là người chốt giao dịch với chủ tàu. Ông Tuấn cũng là người tham gia làm việc với cơ quan hải quan để thực hiện các thủ tục pháp lý.

Chưa dừng ở đó, ông Tuấn cũng là người cùng với ông Nguyễn Văn Soái làm việc để thực hiện thủ tục lai dắt tàu. Bị can Đỗ Bá Khang chỉ là đại diện cho Công ty Khang Vinh tham gia ký văn bản mà thôi. Vì vậy, trong vụ án này, vai trò của Nguyễn Công Tuấn không chỉ là người giúp sức hết sức quan trọng, mà còn là người đưa ra các quyết định thay cho Công ty Khang Vinh”, luật sư Huấn phân tích.

Bị cáo Đỗ Bá Khang tại phiên xét xử trước đó.

Bị cáo Đỗ Bá Khang tại phiên xét xử trước đó.

Dấu hỏi về vai trò của cơ quan hải quan

Về vai trò của 2 cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Thủy và ông Tạ Thành Yên, luật sư Huấn cho rằng, trong giao dịch mua bán tàu Chung Chinh, bà Nguyễn Thị Thủy đã góp vốn lần 1 với bị can Đỗ Bá Khang vào ngày 31/8/2021 và chuyển cho bị can Khang số tiền 3 tỷ đồng ngay sau khi góp vốn.

Bà Thủy biết rất rõ tính chất pháp lý của con tàu ngay trước khi góp vốn và đã góp tổng số tiền là 4 tỷ đồng để giao cho bị can Khang thực hiện giao dịch. Trong khi đó, ông Tạ Thành Yên ký hợp đồng góp vốn vào ngày 7/9/2021 và cũng hiểu rõ tính chất pháp lý của con tàu nên người này đã góp 4 tỷ đồng giao cho ông Khang thực hiện các thủ tục mua bán tàu.

“Nếu như không có số tiền góp vốn của Thủy và Yên, chắc chắn Công ty Khang Vinh không thể tham gia giao dịch mua tàu trên. Nên nếu không có sự giúp sức đắc lực của Thủy và Yên trong việc mua bán thì Công ty Khang Vinh không thể thực hiện việc mua bán.

Sau ngày 15/10/2021 (ngày ký thỏa thuận mua bán tàu với Nguyễn Văn Soái), ông Khang đã trả lại tỷ lệ góp vốn cho Thủy và Yên với tổng số tiền là 6,2 tỷ đồng (mỗi người 3,1 tỷ đồng). Từ nội dung nêu trên, tôi cho rằng Nguyễn Thị Thủy và Tạ Thành Yên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm tương ứng với số tiền đã góp cho Công ty Khang Vinh để thực hiện việc mua bán tàu”, luật sư Huấn phân tích.

Trong bản kiến nghị gửi TAND TP Hải Phòng trước phiên xử, luật sư Huấn còn nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan Hải quan Hòn Gai (Quảng Ninh). Theo ông Huấn, trước khi thực hiện thủ tục lai dắt, Công ty Khang Vinh có gửi Công văn số 05 ngày 25/10/2021 để xin pháp lai dắt về Hải Phòng và cũng đã thông báo cho cơ quan hải quan về việc đã mua bán tàu Chung Chinh theo hướng dẫn của cán bộ hải quan.

Luật sư Huấn đánh giá việc làm của Công ty Khang Vinh là công khai, minh bạch và đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Vị luật sư cho rằng, với chức năng và nhiệm vụ, cơ quan hải quan Quảng Ninh phải có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu hoàn thiện thủ tục cho Công ty Khang Vinh.

Từ đó, Luật sư Huấn đặt ra câu hỏi liệu cơ quan hải quan đã làm đúng chức năng và thẩm quyền của mình trước khi cho lai dắt tàu về Hải Phòng hay chưa? Trách nhiệm của những người có thẩm quyền được xác định như thế nào?

“Nếu như cơ quan hải quan hoàn thành trách nhiệm, tôi cho rằng vụ án này có thể không xảy ra. Từ nội dung trên tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu của Chi cục Hải quan Hòn Gai và các cơ quan liên quan theo quy định pháp luật”, luật sư Huấn nhấn mạnh.

Theo cáo trạng, bị can Đỗ Bá Khang thông qua mối quan hệ đã biết và huy động góp vốn thành công để mua con tàu Chung Chinh (quốc tịch Palau) từ Công ty YI CHING YANG CO.LTD.

Đây là con tàu bị Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan bắt giữ do liên quan đến việc vi phạm pháp luật trên vùng biển Việt Nam.

Sau khi nhận bàn giao tàu, bị can Khang tiến hành làm thủ tục xóa quốc tịch Paula nhưng không làm thủ tục nhập khẩu tàu Chung Chinh cũng như các thủ tục khác theo quy định.

Con tàu này sau đó được bị can Đỗ Bá Khang bán cho một nhóm người do ông Nguyễn Văn Soái là đại diện. Nhận tàu, ông Soái đã thuê người tiến hành phá dỡ 3 tầng cabin, cắt rời một số thiết bị trên tàu thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ