Đây là kiến nghị của Bộ GD&ĐT tại buổi kiểm tra về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh Bộ GD&ĐT của Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQPAN) ngày 2/10.
Cũng trong báo cáo về kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2018, Bộ GD&ĐT kiến nghị Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương đề xuất bổ sung nội dung, chương trình Giáo dục quốc phòng - An ninh (GDQP-AN) cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường có 100% vốn nước ngoài;
Với Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường sĩ quan biệt phái cho 43 Sở GD&ĐT hiện nay chưa được biên chế để tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, GDQPAN đạt chất lượng, hiệu quả...
Tại buổi kiểm tra về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết: Đến nay, ngành GD&ĐT đã hình thành hệ thống tổ chức, quản lý, chỉ đạo và thực hiện GDQPAN từ trung ương xuống cơ sở. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, có tính khả thi cao, tạo hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ GDQPAN.
Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan chức năng triển khai biên soạn, thẩm định ban hành bộ SGK, giáo trình, tài liệu môn học GDQPAN các trường THPT, trung cấp sư phạm, CĐ sư phạm, cơ sở giáo dục ĐH theo các chương trình đã được Bộ GD&ĐT quyết định ban hành. Định kỳ hàng năm, Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, giảng viên GDQPAN toàn quốc...
Theo thống kê, trong các năm học từ 2016-2017, 2017-2018, số học sinh THPT học tập môn GDQPAN đạt 100%. Hàng năm, trên 99,5% sinh viên các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành nội dung GDQPAN theo quy định. Về cơ bản, các trường công lập đã bố trí đủ giáo viên GDQPAN; cơ sở vật chất cho hoạt động dạy học GDQPAN được đầu tư cơ bản hiện đại...