Kiến nghị gỡ 'điểm nghẽn' về định biên giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như định biên giáo viên, định mức học sinh… được xem là 'điểm nghẽn' của giáo dục Quảng Nam. 

Học sinh điểm trường thôn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Trà Thu.
Học sinh điểm trường thôn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Trà Thu.

Chồng chéo giữa các quy định

Theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, đang không có sự thống nhất về định mức bình quân học sinh/lớp giữa Nghị quyết 36 năm 2021 của HĐND tỉnh và Quyết định 2428 năm 2020 của UBND tỉnh.

Trong đó, Nghị quyết 36 quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022. Theo đó, định mức bình quân học sinh/lớp đối với trường THPT là 40; 35 học sinh/lớp đối với trường THPT chuyên và phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, phổ thông dân tộc nội trú cấp 2, 3 và chênh lệch ít hơn hoặc nhiều hơn 2 học sinh/lớp.

Còn Quyết định 2428 năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ ngành GD&ĐT đến năm học 2024 – 2025 lại quy định khác. Cụ thể, mức bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 28 em THCS và THPT là 38 em/lớp.

Chính sự không thống nhất giữa định mức học sinh/lớp giữa các văn bản khiến việc phân bổ các nguồn lực cũng như sắp xếp lại các điểm trường gặp nhiều khó khăn.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) không còn duy trì các điểm lẻ. Học sinh về học ở điểm trường chính với sự hỗ trợ đưa đón của đại diện phụ huynh từng nóc.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) không còn duy trì các điểm lẻ. Học sinh về học ở điểm trường chính với sự hỗ trợ đưa đón của đại diện phụ huynh từng nóc.

Nếu so với năm học 2017 - 2018 thì đến năm học 2020 - 2021, Quảng Nam giảm được 48 trường. Trong số này có 10 trường Mầm non, 39 trường Tiểu học, 14 trường THCS. Riêng trường TH&THCS tăng 14 trường và trường THPT tăng 1 trường. Quảng Nam giảm được 204 điểm trường, chủ yếu ở mầm non với 107 điểm và Tiểu học giảm 111.

Nếu tính theo số học sinh tăng, giảm của từng cấp học thì năm học 2020 – 2021 số lớp của Quảng Nam tăng hơn so với năm học 2017 – 2018 là 651 lớp. Tuy nhiên khi thực hiện rà soát, sắp xếp thì thực tế giảm được 245 lớp. Như vậy việc rà soát, sắp xếp đã giảm được 896 lớp, tương ứng giảm được 1.509 biên chế giáo viên.

Ông Thái Viết Tường cho rằng, đối với triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, biên chế HS/lớp phải linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị trường học.

Chẳng hạn, đối với các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố, ở những khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì định mức bình quân tiểu học nên là 25 HS/lớp, THCS và THPT là 35 HS/lớp, thấp hơn 3 HS/lớp so với Quyết định 2428.

Quảng Nam hiện đang thực hiện phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc theo chỉ tiêu biên chế viên chức quản lý, giáo viên/lớp theo Quyết định 2428. Tỷ lệ này thấp hơn so với Thông tư số 06 năm 2015 của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ và Thông tư 16, ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ không mở lớp ghép dù chỉ có10 HS. Thế nhưng, tại các huyện miền núi của Quảng Nam vẫn còn rất nhiều lớp ghép do liên quan đến biên chế giáo viên.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam kiến nghị cần giao biên chế GV và giao ngân sách hằng năm cho các trường học trực thuộc sở theo Nghị quyết 36. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giao biên chế GV, nhân viên theo Thông tư 06 và 16.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Quảng Nam đều rà soát và xây dựng kế hoạch điều động để đảm bảo cân đối tỷ lệ giáo viên/lớp giữa các trường THPT. Tuy nhiên, có thực tế việc thừa - thiếu cục bộ giữa các trường học khu vực đồng bằng và miền núi nhưng vẫn ở trong định biên cho phép của toàn ngành. Vì vậy, theo ông Thái Viết Tường, cần phân bổ kinh phí tiền lương giáo viên thừa theo thực tế tại các trường học.

Lễ tổng kết năm học ở một điểm trường thôn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam).

Lễ tổng kết năm học ở một điểm trường thôn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam).

Về những kiến nghị, đề xuất của Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Sở GD&ĐT đối chiếu với các quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh Nghị quyết 36 năm 2021.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ điều chỉnh Quyết định 2428 về đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục của tỉnh đến năm học 2024 – 2025 phù hợp với thực tế.

Đối với biên chế giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu có văn bản báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ, Chính phủ tiếp tục bổ sung biên chế.

Theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về những kiến nghị của ngành giáo dục, giao Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2023 – 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Về việc luân chuyển, điều chuyển vị trí công tác của đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo quản lý tại các trường THPT, tỉnh thống nhất giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ