Kiên Giang: Tình trạng “thiếu đủ thứ” ở nhiều trường học

GD&TĐ - Kiên Giang là tỉnh có địa hình đa dạng và phức tạp, do đó việc đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là mạng lưới trường, lớp học đến tận địa bàn dân cư rất khó khăn. Đến nay, tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp và thiếu giáo viên…

Kiên Giang: Tình trạng “thiếu đủ thứ” ở nhiều trường học

Gặp khó vì thiếu phòng học

Trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp và cơ sở vật chất trường học. Các cấp quản lý GD đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Song song đó, hệ thống mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa số trẻ và HS trong độ tuổi đến trường.

Tuy nhiên, khi sĩ số HS tăng lên, đặc biệt là cấp tiểu học triển khai dạy học 2 buổi/ngày nên tình trạng thiếu phòng học xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Theo con số thống kê của Sở GD&ĐT Kiên Giang, tổng số phòng học hiện có là 10.253 phòng. Toàn tỉnh có 212 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 30,90%.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang: Nếu thực hiện học 2 buổi/ngày đối với HS phổ thông, thì tổng số phòng học còn thiếu là hơn 1.700 phòng; đặc biệt là thiếu phòng học cấp tiểu học với hơn 1.100 phòng và THCS hơn 530 phòng. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường tiểu học, THCS. Trong đó, có 12 xã ghép trường mầm non và tiểu học; 6 xã đảo ghép cả trường mầm non, tiểu học và THCS…

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Kiên Giang, điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ở địa phương vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành.

Nguồn chi từ ngân sách cho hoạt động GD-ĐT tuy đã được nâng lên so với giai đoạn trước, nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện các chương trình, đề án lớn của ngành GD-ĐT Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020. Trong tỉnh nhiều trường, lớp học đang xuống cấp trầm trọng và các công trình phụ không đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của HS như thiếu sân chơi, bãi tập, thiếu nước ngọt (nhất là các địa bàn bãi ngang, ven biển, ven đảo).

Trong đó, khó nhất là bậc học mầm non, nguyên nhân là do công tác đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non còn chậm so với kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Các cơ sở GD mầm non còn thiếu phòng chức năng, bếp ăn.

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thấp, chỉ đạt 19,85% (do Thông tư 02/2014 của Bộ GD&ĐT quy định phải có 100% trẻ được học bán trú, nhưng số trường mầm non mới được thành lập thì chưa đủ điều kiện). Một số trường thiếu diện tích sân, vườn cho trẻ vận động, khám phá, trải nghiệm; một số phòng học hẹp, giáo viên rất khó trong việc đổi mới hình thức tổ chức hoạt động cho trẻ…

Để tháo gỡ khó khăn về thiếu trường lớp, Sở GD&ĐT Kiên Giang đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp học theo kế hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh tiến hành sắp xếp theo xu hướng sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm chính, nhằm khắc phục sự chênh lệch chất lượng GD giữa các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, nâng cao chất lượng GD&ĐT…

Thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm

Hiện tại, ngành GD-ĐT Kiên Giang có 23.972 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó cán bộ quản lý có 1.542 người; giáo viên 18.988 người; công nhân viên 3.442 người. So với yêu cầu nhiệm vụ, ngành còn thiếu trên 1.000 giáo viên; trong đó khoảng 700 giáo viên mầm non.

Nguyên nhân thiếu nhiều giáo viên mầm non là do tỷ lệ huy động HS ra lớp ngày càng tăng, phải xây dựng mới và đưa vào hoạt động thêm nhiều trường mầm non để thực hiện đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh cũng thiếu 40 giáo viên tiểu học (do tăng cường dạy học 2 buổi/ngày); thiếu 144 giáo viên THPT và 65 giáo viên hệ GDTX (tính theo định mức giáo viên trên lớp).

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang: Một trong những khó khăn là quy định thẩm quyền về giao biên chế cho sự nghiệp GD có sự thay đổi. Trước đây do HĐND tỉnh quyết định. Từ khi thực hiện Nghị định 41 về vị trí việc làm thì thẩm quyền này phải do Chính phủ và Bộ Nội vụ phê duyệt nên thường chậm hơn. Do vậy, nếu được giao biên chế kịp thời thì mới có thể khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay...

“Chúng tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng, khi ban hành các định mức cán bộ, giáo viên/trường/lớp cần tính đến các yếu tố đặc thù như: Cán bộ quản lý, giáo viên cho trường có nhiều cấp, trường có nhiều điểm trường. Định mức biên chế đối với giáo viên biệt phái sang công tác tại các trung tâm học tập cộng đồng; giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các trường Dân tộc nội trú; giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học theo Đề án Ngoại ngữ, tin học được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đảm bảo phân bổ đủ, kịp thời biên chế theo định mức biên chế (nhất là trong điều kiện các tỉnh có xuất phát điểm thấp như Kiên Giang đang tập trung phát triển ngành học mầm non phục vụ cho công tác PC GDMN cho trẻ 5 tuổi)…” - bà Minh Giang nêu rõ.

Tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh Kiên Giang đã diễn ra nhiều năm qua, mặc dù địa phương đã kiến nghị các giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là khi Đề án phổ cập GD mầm non được triển khai. Do sự tăng trưởng nhanh chóng của bậc mầm non đã khiến cho nhu cầu biên chế giáo viên cũng tăng đột biến. Hiện nay, đã đến giai đoạn kết thúc của đề án nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thể bố trí biên chế giáo viên mầm non vì còn vướng cơ chế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ