Kiên Giang: Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân

“Các em ở đây thấy thương lắm, người dân trên đảo chân tình, những điều này đã giúp tôi vững bước với nghề “gõ đầu trẻ” nơi đảo xa hơn 5 năm qua" - thầy giáo trẻ Lê Văn Khải Em - giáo viên trường phổ thông cơ sở Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương) chia sẻ.

Kiên Giang: Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân

Thầy giáo trẻ "cắm đảo" dạy chữ

Sơn Hải là xã đảo với 42 hòn đảo lớn nhỏ nằm phía tây nam của huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), cách trung tâm huyện 10km, có hai ấp (ấp Hòn Heo và ấp Hòn Ngang), diện tích tự nhiên hơn 440ha với hơn 2.300 nhân khẩu/621 hộ.nNgười dân sống tập trung ở Hòn Heo (nơi đặt trụ sở UBND xã Sơn Hải), Hòn Ngang có hơn 10 hộ dân, các hòn đảo còn lại đa phần không có người dân sinh sống.

Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần bà con trên xã đảo được nâng cao đáng kể, thu nhập đầu người trên 49 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 1,5%. Cơ sở hạ tầng nông thôn cải thiện, hệ thống trường lớp, trạm y tế, nhà văn hóa đầy đủ. Hiện trên xã đảo có trường mầm non và trường phổ thông cơ sở Sơn Hải (tiểu học và THCS) đều đạt chuẩn quốc gia, cả hai cơ sở này đặt tại ấp Hòn Heo.

Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân - Ảnh 1.

Từ ngày ra trường, thầy giáo trẻ Lê Văn Khải Em đã có 5 năm gieo chữ ở đảo thuộc xã ở vùng biển tây nam Kiên Giang.

Đến Sơn Hải mới thấy câu chuyện giáo dục ở đây có nhiều điểm sáng, như: nhiều thầy cô giáo “bám” đảo dạy học từ 15-20 năm; nhiều giáo viên trẻ là con em xã đảo quay về quê dạy học. Đáng quí hơn, nhiều năm qua đã có nhiều giáo viên trẻ sẵn sàng một mình “cắm” lại điểm lẻ Hòn Ngang (cách Hòn Heo 6km) như thầy giáo Lê Văn Khải Em dạy học nơi xã đảo.

Thầy Khải Em sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học năm 2013 về công tác tại xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương). Đến hết năm học 2017, thầy được chuyển về xã đảo Sơn Hải. Khi về đây, thầy Khải Em được ban giám hiệu trường PTCS Sơn Hải phân công đến điểm lẻ Hòn Ngang phụ trách lớp ghép (lớp 1, lớp 3 và lớp 4) nhưng chỉ vỏn vẹn 9 học sinh.

Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân - Ảnh 2.

Năm học 2018-2019, thầy Khải Em được ban giám hiệu trường PTCS Sơn Hải phân công phụ trách lớp ghép ở điểm lẻ Hòn Ngang. Lớp học chỉ có 9 học sinh, gồm: lớp 1, lớp 3 và lớp 4.

Thầy Khải Em chia sẻ: “Thật tình, nếu không có “thâm niên” 5 năm dạy học ở xã đảo Hòn Nghệ, một mình “cắm” đảo đứng lớp ghép thế này buồn lắm. Nhưng do tôi có thời gian gắn bó với xã đảo nên đã cảm nhận được sự thiệt thòi, khó khăn của các em khi đi tìm chữ... Hơn nữa, học sinh trên đảo hiền ngoan, phụ huynh chân tình rất quý thầy cô giáo nên hiện tại tôi thích công việc của mình”.

Để dạy học ở điểm lẻ Hòn Ngang, thầy Khải Em thuê một căn nhà bếp của một người dân không sử dụng nữa làm nơi ở. Trong nhà chỉ đơn sơ những vật dụng cần thiết, như: giường ngủ, bàn làm việc và mấy cái chảo và bát, đũa… nấu ăn hàng ngày. 

Nếu không có thầy, các em sẽ bỏ học

Nói là điểm lẻ Hòn Ngang nhưng có duy nhất một phòng học. Trong căn phòng này, thầy Khải Em xếp 3 dãy bàn riêng biệt, bố trí 3 nhóm học sinh (lớp 1, lớp 3 và lớp 4) ngồi học. Từ lớp học đặc biệt này, thầy Khải Em có phương pháp dạy học cho riêng mình, khi nào dạy ghép vần cho các em lớp 1, khi nào dạy phép tính đố cho các em lớp 3, lớp 4… Những môn phụ như văn nghệ, thể dục… được tinh giản.

Em Nguyễn Thị Thanh Tâm - học lớp 4 chia sẻ: “Nhiều năm rồi tụi cháu đã học chung như thế này, ban đầu thấy bỡ ngỡ lắm nhưng dần rồi cũng quen. Tụi cháu xem lớp học như ngôi nhà chung của mình, tụi cháu học lớp lớn là anh chị của các em học lớp 1, lớp 3. Bởi vậy, đến giờ ra chơi, tụi cháu dạy các em nhỏ đánh vần hay rèn chữ… cũng vui lắm”.

Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân - Ảnh 3.

Về cách dạy, thầy Khải Em cũng thiết kế một giáo trình riêng, theo hình thức xoay vòng, từ lớp 1 - lớp 3 và lớp 4.

Chị Nguyễn Thị Nga - phụ huynh em Phạm Trà My đang học lớp 1 cho biết: “Nói thật, bà con trên đảo này nếu có nhiều tiền chưa chắc mua được chữ cho con. Bởi vậy, có thầy cô ở lại đảo dạy chữ cho con em chúng tôi, bà con mừng lắm, vì không có thầy cô ra đây, chuyện học hành của tụi nhỏ chẳng biết tính sao”.

Chị Nga cho biết, do điểm lẻ chỉ dạy đến lớp 5 nên khi các cháu học xong lớp này, các phụ huynh ở Hòn Ngang chạy đôn chạy đáo tìm nhà người quen bên điểm chính (Hòn Heo) hoặc đất liền cho các cháu học tiếp. Nếu gia đình nào không tìm được người thân thì đành bấm bụng cho các cháu nghỉ học.

Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân - Ảnh 4.

Dù lớp ghép chỉ vỏn vẹn 9 học sinh nhưng thầy Khải Em và các em học sinh cùng tạo ra góc để tổ chức sinh nhật cho các thành viên của lớp.

Thầy Phan Đình Ngát - Hiệu trưởng trường PTCS Sơn Hải cho biết, trong năm học 2018-2019, nhà trường có 15 lớp với tổng số 436 học sinh, trong đó có đến 30% học sinh thuộc diện khó khăn. Hiện điểm chính đang được xây dựng thêm dãy phòng học mới và phòng làm việc nên cơ sở vật chất tại điểm chính đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Riêng điểm lẻ Hòn Ngang, từ nhiều năm qua dù ít học sinh, thầy cô ra đảo dạy học có nhiều khó khăn nhưng ban giám hiệu nhà trường kiên quyết duy trì công tác dạy học ở đây bằng hình thức phân công giáo viên theo “nhiệm kỳ” 2 năm ở Hòn Ngang. Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ giáo viên tiền thuê nhà ở và tiền đi lại (từ Hòn Ngang vào điểm chính Hòn Heo) hội họp, sinh hoạt chuyên môn…

Cảm phục thầy giáo trẻ một mình “bám đảo” dạy chữ cho con em ngư dân - Ảnh 5.

Thầy trò điểm lẻ Hòn Ngang xem lớp học là mái nhà chung của mình.

Về định hướng sắp tới, thầy Ngát cho biết, vẫn duy trì việc phân công giáo viên bám điểm lẻ dạy chữ. Tuy nhiên, thầy Ngát kiến nghị các ban ngành đoàn thể xã, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân xã đảo, nhất là điểm lẻ Hòn Ngang ý thức việc cho con em đến trường, học tại điểm chính hoặc vào đất liền, nhằm ngăn ngừa, giảm tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian tới.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ