Đây là tình huống hiếm gặp trong ngành nhưng đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT và các đơn vị cơ sở đã kịp thời “trở tay” và không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
Hàng loạt phương án, kịch bản ứng phó trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra của các cơ sở giáo dục cho thấy, các nhà trường đã nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh. Đứng trước đại dịch, cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc, lên phương án với những tình huống giả định được ví như những tình huống diễn tập của lực lượng an ninh và quân đội nhân dân Việt Nam.
Trao đổi với lãnh đạo các trường từ miền ngược đến miền xuôi mới thấy sự nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch bệnh của các đơn vị. Có thể nói, những ngày qua, hầu hết các trường đều nêu cao tinh thần cảnh giác, tất cả vì sự an toàn và sức khỏe của học sinh cũng như cán bộ, giáo viên. Chính vì vậy, từ Bộ cho đến cơ sở đều chủ động đón đầu các tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi mà nCoV vẫn có những diễn biến phức tạp.
Câu chuyện của một nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội, khiến chúng tôi an tâm khi mà nhà trường nêu cao tinh thần phòng chống dịch bệnh. Vị hiệu trưởng cho hay, nhà trường đã xây dựng kịch bản ứng phó tương ứng với từng cấp độ của dịch. Chẳng hạn, trường hợp có dịch bệnh xâm nhập sẽ phải phòng chống như thế nào; khi có dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trên địa bàn thành phố thì kịch bản ứng phó ra sao.
Đến cấp độ nguy hiểm hơn, khi dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố, trong cộng đồng với hàng chục, thậm chí hàng nghìn trường hợp mắc phải sẽ phải ứng phó ra sao… Tất cả đều được lên kế hoạch chi tiết, với tinh thần nghiêm túc, không lơ là, chủ quan; đồng thời xác định, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh sẽ là tuyên truyền viên trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Song song với công tác phòng chống dịch bệnh nCoV, các trường cũng triển khai nhiều giải pháp ổn định học tập trong những ngày học sinh nghỉ học tạm thời. Đã có những thầy, cô giao bài tập cho học sinh qua hệ thống online, nhiều trường thiết kế bài giảng trực tuyến, thậm chí họ đã hình dung xây dựng lớp học ảo nếu như việc nghỉ học tạm thời có thể kéo dài hơn 1 tuần. Những nhóm Zalo, Facebook nhanh chóng được thiết lập để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh và cùng nhau trao đổi bài tập, cách học trong những ngày nghỉ học phòng tránh dịch bệnh.
Những dòng tin nhắn đại loại như: “Nhà trường thông báo, nếu có học sinh nào đi Trung Quốc hoặc đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán và những bạn nào có biểu hiện: Ho, sốt, đau nhức cơ thể… đề nghị báo ngay cho cô giáo…” phụ huynh gần như đã thuộc lòng. Suy cho cùng đó cũng là cách nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tự bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
Song dù là cách này hay cách kia cũng là sự nỗ lực, tích cực đáng được ghi nhận của ngành Giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục riêng. Chẳng thế mà, hơn 10 ngày qua, Bộ GD&ĐT liên tục có những chỉ đạo “nóng” về công tác phòng chống dịch bệnh nCoV. Tinh thần chiến đấu với dịch bệnh được nhiều người ví còn hơn một cuộc chiến thần tốc và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”.